Hà Nội nâng bậc cách ly sau ca nhiễm COVID-19 đầu tiên

Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm sau ca dương tính COVID-19 đầu tiên, Hà Nội quyết định nâng bậc cách ly, mở rộng giám sát y tế và đề xuất siết chặt khai báo y tế bắt buộc.
Hà Nội nâng bậc cách ly sau ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ảnh 1Hà Nội sẽ nâng bậc cách ly sau trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên. (Ảnh: Minh Hiếu/Vietnam+)

Tại cuộc họp bất thường của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 thành phố Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung đã quyết định nâng bậc cách ly lên một bậc.

Thực hiện cách ly không cần chờ ý kiến cấp trên

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội tại cuộc họp, tính tới 8 giờ sáng 7/3, cơ quan chức năng đã lập danh sách 33 người tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân tên Nhung và 90 người tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần (F2). Trong đó 27 người được lấy mẫu xét nghiệm, 25 mẫu đã có kết quả âm tính. Hai trường hợp nghi nhiễm còn lại gồm lái xe và bác gái bệnh nhân, chưa có kết quả xét nghiệm. Các trường hợp khác đã được lấy mẫu xét nghiệm.

Thực hiện chỉ đạo của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, ngay trong đêm 6/3, các đội phản ứng nhanh tại các quận, huyện của Hà Nội tiếp tục rà soát để tìm những người đã tiếp xúc với F1, F2 (F3).

“Tính tới thời điểm hiện tại, toàn thành phố đã xác định xấp xỉ 500 người thuộc diện F3 và được chúng tôi đưa đi cách ly,” ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội báo cáo tại cuộc họp.

[Bí thư Hà Nội đề nghị xem xét báo cáo để công bố dịch]

Việc nâng bậc cách ly được thực hiện như sau: Những người trong diện cách ly tại nhà vẫn sẽ được đưa đi cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm. Các trường hợp F4, F5 [tiếp xúc xa hơn – PV] cũng sẽ buộc phải cách ly tại nhà 14 ngày và được kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày.

Hà Nội nâng bậc cách ly sau ca nhiễm COVID-19 đầu tiên ảnh 2(Ảnh minh họa. Nguồn: Vietnam+)

Đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật thành phố đề nghị cần “ứng xử với những người tiếp xúc gần như người bệnh” vì đây là những người có nguy cơ cao trở thành bệnh nhân tiếp theo.

“Chúng tôi cũng đề nghị các quận huyện cần ứng trực 24/24 giờ để sẵn sàng đi điều tra, xác minh khi cần thiết,” ông Cảm nêu quan điểm.

Lý giải về việc cần phải nâng bậc cách ly, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho hay hiện việc lây nhiễm của Hà Nội đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ.

“Trên thế giới, tình hình lây nhiễm vẫn đang phức tạp. Thực tế, chỉ cần 1 người đi vào vùng dịch thì xác xuất lây nhiễm cũng đã rất cao. Thời gian qua có rất nhiều khách nước ngoài tới Hà Nội. Bên cạnh đó, lượng người Việt Nam đi học tập, công tác, du lịch trước tháng 2 trở về cũng rất lớn. Đây là giai đoạn có nguy cơ lây nhiễm cao, chúng ta tuyệt đối không được chủ quan,” ông Chung phân tích.

Ông Chung cũng nhấn mạnh các địa phương sẽ được thực hiện việc cách ly mà không cần phải báo cáo hay phải chờ ý kiến của cấp trên.

Trong khi đó, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đề nghị thành phố phải lấy mẫu của tất cả những người bị cách ly để đem đi xét nghiệm.

“Chúng ta không sợ tốn tiền cho điều này,” ông Huệ nhấn mạnh.

Mở rộng giám sát y tế

Bên cạnh việc nâng bậc cách ly, Hà Nội cũng đang khẩn trương tiến hành mở rộng giám sát y tế. Cụ thể, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội vẫn đang tích cực phối hợp với Vietnam Airlines và các đơn vị có liên quan thu thập thông tin 217 hành khách và phi hành đoàn đi cùng chuyến bay VN0054 với bệnh nhân N.

Bước đầu, cơ quan chức năng làm rõ có 149 khách nước ngoài, 48 người Việt Nam bao gồm 20 người ở Hà Nội. Với những người nước ngoài, hiện Hà Nội vẫn đang xác minh nơi tạm trú của 28 khách.

Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công An, cho biết đã trích xuất dữ liệu chuyến bay và số hành khách trên chuyến bay. Cục đề nghị Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch gửi danh sách người tiếp xúc gần bệnh nhân cho các địa phương để tiến hành cách ly. Danh sách 149 người nước ngoài ngồi cùng chuyến bay cũng được Cục chuyển các đơn vị liên quan để thực hiện kiểm soát.

Ông Nguyễn Đức Chung cho hay ngoài chuyến bay đưa bệnh nhân N. về Việt Nam, máy bay số hiệu VN00054 sau đó còn thực hiện thêm 6 chuyến bay khác. Hiện, Hà Nội đã yêu cầu Vietnam Airlines cho cách ly đoàn bay, rà soát thông tin hành khách để có biện pháp xử lý.

Tăng cường giám sát y tế là một giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn COVID-19. (Trong ảnh: Các cán bộ chiến sỹ Bộ Tư lệnh Hóa học phun thuốc khử trung khu phố Trúc Bạch sáng 7/3)

Riêng đối với vị trí ghế mà bệnh nhân N. đã ngồi cũng đã được xác định là ghế số 5K. Chị N. có đeo khẩu trang. Vào thời điểm này, trên khoang hạng C có 3 người Việt Nam và 18 người nước ngoài. Một nhân viên hàng không có tiếp xúc với bệnh nhân. Ông Chung đề nghị Vietnam Airlines cần xác định các hành khách đã ngồi ở ghế 5K trong các chuyến bay tiếp theo để giám sát y tế chặt chẽ; đặc biệt là hành khách bay từ Hà Nội vào Sài Gòn ngay sáng hôm sau.

Các bệnh viện phải phân luồng bệnh nhân sốt và ho

Rút kinh nghiệm từ ca nhiễm COVID-19 đầu tiên, ông Nguyễn Đức Chung đề nghị các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh phải có khu khám riêng dành cho các bệnh nhân có biểu hiện sốt, ho.

“Cần tránh tình trạng như vừa xảy ra tại bệnh viện Hồng Ngọc,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội nói.

Thực tế, tại bệnh viện này theo thống kê sơ bộ đã có 17 y, bác sỹ tiếp xúc với bệnh nhân. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung bày tỏ sự quan ngại khi đây “không khéo sẽ trở thành ổ dịch” và đề nghị cần phải có các biện pháp đối với cơ sở trên.

Trong khi đó, theo đại diện Trung tâm kiểm soát bệnh tật, hiện nay toàn bộ bệnh viện Hồng Ngọc đã dừng khám chữa bệnh. Các bệnh nhân bên trong có nhu cầu ra viện. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã cho toàn bộ ở lại để tiếp tục giám sát.

“542 người khác đã ra viện cũng cần theo dõi. Ngoài ra, cán bộ của viện với xấp xỉ 500 người cũng được đưa sang một địa điểm khác ở Long Biên để cách ly, giảm thiểu nguy cơ,” đại diện Trung tâm cho biết.

Phía Trung tâm này cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải phân luồng bệnh nhân có biểu hiện nghi vấn, tránh nguy cơ lây lan không đáng có.

Sáng 7/3, Binh chủng Hóa học đã triển khai lực lượng đến khu vực phố Trấn Vũ, Trúc Bạch sau khi có người nhiễm COVID-19. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Sáng 7/3, Binh chủng Hóa học đã triển khai lực lượng đến khu vực phố Trấn Vũ, Trúc Bạch sau khi có người nhiễm COVID-19. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Phun thuốc tiêu độc khử trùng các hộ dân xung quanh khu vực nơi có bệnh nhân bị dương tính với COVID-19. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Phun thuốc tiêu độc khử trùng các hộ dân xung quanh khu vực nơi có bệnh nhân bị dương tính với COVID-19. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Công việc được triển khai gấp rút nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch COVID-19. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Công việc được triển khai gấp rút nhằm tránh nguy cơ lây lan dịch COVID-19. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Các phố Trúc Bạch, Trấn Vũ và xung quanh đều được khoanh vùng phun thuốc tiêu độc, khử trùng nhằm tránh dịch COVID-19. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Các phố Trúc Bạch, Trấn Vũ và xung quanh đều được khoanh vùng phun thuốc tiêu độc, khử trùng nhằm tránh dịch COVID-19. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Hà Nội sẽ đảm bảo theo dõi chặt tình hình sức khỏe của từng người cũng như đảm bảo cuộc sống cho cả khu vực. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)
Hà Nội sẽ đảm bảo theo dõi chặt tình hình sức khỏe của từng người cũng như đảm bảo cuộc sống cho cả khu vực. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Liên quan đến tổng số người còn đang cách ly hiện nay, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Toàn thành phố còn 2.240 ca đang cách ly do trở về từ các vùng dịch. Trong số này có 1.450 ca có kết quả xét nghiệm âm tính.

“Dự kiến, tới 17 giờ chiều nay chúng ta sẽ có kết quả của toàn bộ các ca còn lại,” ông Chung nói./.

Nâng cao mức kiểm soát nhập cảnh

Lãnh đạo thành phố Hà Nội yêu cầu cần phải nâng cao mức kiểm soát nhập cảnh vào Việt Nam. Cụ thể, đề nghị cho khách xếp hàng một để đo thân nhiệt ở sân bay. Bên cạnh đó, tất cả người Việt Nam và khác quốc tế khi nhập cảnh đều phải khai báo y tế bắt buộc; trong đó ghi rõ số điện thoại, các nơi đã đi và nơi sẽ ở.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục