Hà Nội sẽ phục hồi hoạt động du lịch năm 2022 với nhiều đột phá

Sau hai năm chịu cảnh tiêu điều và "đóng băng" vì COVID-19, du lịch Thủ đô sẽ vào bước giai đoạn phục hồi và phát triển mới. Đây sẽ là thời kỳ được kỳ vọng sẽ có nhiều đột phá tích cực của ngành.
Khi COVID-19 bùng phát, du lịch ven đô trở thành xu hướng được nhiều người dân Thủ đô lựa chọn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)
Khi COVID-19 bùng phát, du lịch ven đô trở thành xu hướng được nhiều người dân Thủ đô lựa chọn. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

2022 sẽ là năm ngành kinh tế xanh Thủ đô tập trung đổi mới, cơ cấu lại toàn diện để trở thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao. Đặc biệt, Sở Du lịch Hà Nội chú trọng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm có tính đột phá, hấp dẫn, đáp ứng những nhu cầu, thị hiếu mới của du khách.

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang về kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch trong năm mới.

Chú trọng tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao

Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội cho biết ngành đã xây dựng kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch năm 2022-2023. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2022, ngành du lịch sẽ triển khai hoạt động theo hướng linh hoạt, thích ứng với tình hình dịch bệnh. Trong đó, chú trọng phối hợp với các ngành, địa phương xây dựng, nâng cao chất lượng điểm đến, tạo ra sản phẩm du lịch chất lượng cao.

“Sở Du lịch Hà Nội cùng với một số huyện có tiềm năng và thế mạnh như Ba Vì, Sơn Tây, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Thường Tín, Gia Lâm, Đan Phượng… sẽ đầu tư xây dựng một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, cộng đồng theo hướng du lịch xanh; điểm đến du lịch gắn với di sản-di tích, làng nghề tại các quận, huyện, thị xã…,” bà Đặng Hương Giang cho hay.

[Du lịch Việt Nam 2022: Nhiều giải pháp để phục hồi và bứt phá]

Đặc biệt, du lịch Thủ đô sẽ đổi mới, cơ cấu lại toàn diện để trở thành ngành kinh tế hiện đại, chuyên nghiệp, có thương hiệu, tính cạnh tranh cao.

Hà Nội sẽ phục hồi hoạt động du lịch năm 2022 với nhiều đột phá ảnh 1Hoạt động du lịch Thủ đô Hà Nội sẽ sớm phục hồi và phát triển trong năm nay. (Ảnh minh họa: CTV/Vietnam+)

Để đạt mục tiêu này, ngành kinh tế xanh Hà Nội sẽ tập trung vào ba khâu đột phá: Tăng cường nguồn lực đầu tư; xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phát triển du lịch; chuyển đổi số nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố, hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo đúng tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Theo bà Đặng Hương Giang, Sở Du lịch Hà Nội sẽ chú trọng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm có tính đột phá, hấp dẫn, đáp ứng những nhu cầu, thị hiếu mới của du khách trong giai đoạn mới.

Ngoài ra, du lịch Thủ đô sẽ tăng cường liên kết các doanh nghiệp quảng bá, hợp tác, khai thác, phát triển thị trường du lịch. Đẩy mạnh phối hợp với một số tỉnh, thành phố trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng xây dựng và phát triển các tour thế mạnh của Hà Nội như: Du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm (MICE), du lịch nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe… đồng thời phối hợp với các đơn vị truyền thông trong nước, quốc tế tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô, sẵn sàng đón du khách quốc tế theo chỉ đạo của Chính phủ.

Lộ trình cho du lịch Thủ đô

Theo Kế hoạch phục hồi, phát triển hoạt động du lịch Thủ đô thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022-2023, lộ trình mở cửa, phục hồi du lịch Hà Nội được thực hiện theo 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (quý I và II/2022) sẽ tổ chức các hoạt động đón và phục vụ khách du lịch tại các tỉnh, thành phố trong cả nước gắn với quy trình kiểm soát phòng, chống dịch an toàn. Theo đó, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực, điều kiện để đón khách du lịch quốc tế khi Chính phủ cho phép.

Hà Nội sẽ phục hồi hoạt động du lịch năm 2022 với nhiều đột phá ảnh 2Toàn cảnh Cổ Loa, (Đông Anh, Hà Nội) tòa thành có niên đại cổ nhất Việt Nam nhìn từ trên cao. (Ảnh: Mai Mai/Vietnam+)

Các hoạt động du lịch được tổ chức theo các quy định cấp độ dịch của thành phố. Trường hợp dịch bệnh diễn biến phức tạp sẽ giảm quy mô và phạm vi của các loại hình hoạt động phù hợp với tình hình.

Giai đoạn 2 (từ quý III/2022) dự kiến khôi phục tất cả hoạt động và sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố, không giới hạn loại hình, quy mô và phạm vi của các hoạt động du lịch trong điều kiện thích ứng an toàn với dịch COVID-19. Triển khai kế hoạch đón khách du lịch quốc tế theo lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế của Chính phủ, tập trung vào các thị trường du lịch trọng điểm, có độ bao phủ vaccine cao và kiểm soát tốt dịch bệnh.

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Du lịch và các sở, ngành liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, bao gồm: Bảo đảm an toàn tại các điểm đến, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch theo các quy định; tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, hấp dẫn, trong đó chú trọng nâng cấp chất lượng sản phẩm, điểm đến gắn với di sản-di tích làng nghề và đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch đêm, du lịch trải nghiệm trên nền tảng khai thác tour truyền thống, xây dựng các tuyến phố du lịch ẩm thực, tuyến phố đi bộ theo chủ đề, một số mô hình phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp…

Ngoài ra, các đơn vị sẽ tăng cường hoạt động quảng bá, xúc tiến thu hút khách du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động du lịch; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch; chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch đón khách du lịch quốc tế.

Hôm nay (ngày 15/2), Hà Nội cũng đã chính thức mở cửa lại hàng loạt di tích trên địa bàn thành phố, thu hút một lượng không nhỏ du khách đến tham quan, lễ bái. Đây là một trong những tín hiệu lạc qua cho lộ trình phục hồi hoạt động của ngành du lịch Thủ đô giai đoạn mới, hứa hẹn nhiều điểm sáng tích cực./.

Clip Hà Nội lọt top 25 điểm đến ẩm thực hàng đầu thế giới:

Theo kế hoạch phục hồi, du lịch Hà Nội phấn đấu năm 2022 đón và phục vụ từ 9-10 triệu lượt khách, trong đó có 1,2-2,0 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 27,84-35,84 nghìn tỷ đồng.

Đến năm 2023, Hà Nội đón và phục vụ từ 12-14 triệu lượt khách, trong đó có 2,5-3,5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến từ 42,78-55,78 nghìn tỷ đồng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục