Đợt ngập úng do mưa lũ kéo dài trên địa bàn Hà Nội đã khiến vùng ngoại thành phía Tây của Thủ đô ngập úng trên diện rộng, hàng ngàn hộ dân vật lộn với nước ngập và đối mặt với nguy cơ dịch bệnh sau khi nước rút.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền khuyến cáo, thời điểm nước rút cũng là lúc dịch bệnh dễ phát sinh. Vì vậy, người dân cần phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế thôn, cán bộ trạm y tế xã để thông báo kịp thời tình hình dịch bệnh cho ngành y tế. Đặc biệt, khi có bệnh cần đến ngay trạm y tế, bệnh viện để được thầy thuốc thăm khám và điều trị kịp thời, không để bệnh lây lan, ảnh hưởng đến sức khỏe của cộng đồng.
Hiện nay, mực nước sông Bùi đang tiếp tục giảm xuống dưới mức báo động I, diện tích ngập úng đã được thu hẹp, nhiều nơi nước đã cơ bản rút hết.
Rốn nước Chương Mỹ với 11 xã bị ảnh hưởng nay chỉ còn hơn 100 hộ dân của 2 xã trọng điểm là Nam Phương Tiến, Tân Tiến còn ngập.
Các huyện Quốc Oai, Mỹ Đức diện tích úng ngập cũng thu hẹp đáng kể, trong đó huyện Quốc Oai chỉ còn úng ngập ở hai xã Phú Cát và Liệp Tuyết; huyện Mỹ Đức úng ngập tại các xã Phúc Lâm, Lê Thanh, Hương Sơn.
Tại thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ), hơn nửa tháng sống cùng nước lũ đã qua nhưng người dân ở đây vẫn đang dọn dẹp nhà cửa, thu gom rác thải. Rác thải nguy hại bủa vây vùng ngập trũng ở Chương Mỹ.
Ngành y tế đã phối hợp với các đơn vị chức năng các địa bàn úng ngập triển khai tổng vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh. Nước rút đến đâu tổng vệ sinh môi trường đến đó, không để dịch bệnh xuất hiện.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Tân Tiến Nguyễn Văn Mạnh cho biết, ở xã vẫn còn một số điểm úng ngập trên tuyến đường chính dẫn vào xóm Vạn Tiên và Tiến Tiên.
Cùng với việc bảo đảm đời sống cho người dân, ngay sau khi nước rút tại các khu dân cư, xã đã huy động toàn dân tổng vệ sinh môi trường theo phương châm nước rút tới đâu xử lý môi trường tới đó.
Tuy nhiên, do khối lượng rác thải và diện tích cần thau rửa lớn nên xã chủ động đề nghị huyện Chương Mỹ hỗ trợ nhân lực, phương tiện, vật tư.
Còn tại huyện Quốc Oai, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Cấn Hữu Vũ Văn Lợi cho biết nước rút đến đâu, xã huy động các lực lượng đoàn thể tham gia dọn dẹp rác, bùn bẩn, vệ sinh môi trường đến đó.
Lực lượng chức năng huyện cũng hỗ trợ phun thuốc, rắc vôi bột diệt khuẩn, phòng chống dịch bệnh nên đến nay, môi trường tại xã đã ổn định, các hộ dân cũng tích cực vệ sinh nhà ở và đang khôi phục sản xuất nông nghiệp.
[Người dân Chương Mỹ sống chung với rác sau khi nước rút]
Đúng như nhận định của ngành y tế, sau nửa tháng chìm sâu trong nước, khi nước rút đi, rác thải, xác súc vật chết… gặp thời tiết hửng nắng đã và đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh tật nếu không khẩn trương làm sạch môi trường.
Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, ngành y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế của huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức cùng Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da liễu, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng ngập lũ, đặc biệt là sau khi nước rút.
Quan điểm xuyên suốt của ngành y tế là chủ động trong phòng dịch. Nước rút đến đâu là cán bộ y tế xã, thôn phải có mặt tại chỗ để nắm tình hình, đề ra phương án giúp dân ngay tại nhà.
Sở Y tế đã yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội phun thuốc tổng vệ sinh cả trong nhà, sân vườn và môi trường xung quanh các hộ bị ngập úng.
Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện Da Liễu Hà Nội, Bệnh viện đa khoa huyện Quốc Oai, Trung tâm Y tế huyện chủ động trong công tác khám chữa bệnh, xuống tận hộ dân thăm khám, đảm bảo sức khỏe cho người dân trên địa bàn huyện trở lại sinh hoạt và lao động bình thường.
Ngành y tế Hà Nội đã chuẩn bị sẵn cơ số thuốc điều trị các bệnh thường gặp khi mưa bão, úng ngập; cấp thuốc phòng và điều trị các bệnh về mắt và thuốc điều trị nước ăn chân cho các gia đình bị ngập; tổ chức thường trực đội cấp cứu lưu động ở Trung tâm Y tế và các trạm y tế xã 24/24 giờ. Các xã, thị trấn đã duy trì công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế ổn định.
Các Trung tâm Y tế, Phòng khám Đa khoa và các Trạm Y tế trực thuộc bố trí cán bộ trực 24/24 để đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hằng ngày, Trung tâm Y tế huyện cử cán bộ xuống từng hộ gia đình để nắm bắt tình hình nước rút và đôn đốc, hướng dẫn các hộ gia đình thực hiện vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân các xã cũng huy động nhân dân trên địa bàn tham gia vệ sinh môi trường, vớt các loại rác thải khi trôi dạt vào bờ, thu gom, tập kết và xử lý; tăng cường công tác tuyên truyền trực tiếp tới các gia đình và trên hệ thống loa phát thanh các xã, thị trấn về các biện pháp vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh.
Đài phát thanh các xã thường xuyên phát thanh, tuyên truyền hướng dẫn người dân biết cách chủ động phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Sở Y tế cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình, khu dân cư; hướng dẫn người dân cách phòng tránh đuối nước đặc biệt là đối với các gia đình có trẻ nhỏ.
Thời gian tới, ngành y tế tiếp tục chỉ đạo các đơn vị tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch bệnh; đảm bảo cơ số thuốc, hóa chất, công tác khám chữa bệnh; duy trì công tác thường trực cấp cứu, khám chữa bệnh tại đơn vị; hướng dẫn và xử lý nguồn nước sinh hoạt, giếng nước, nhà vệ sinh, chuồng gia súc.
Các đơn vị chỉ đạo đội cơ động phòng chống dịch phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức tổng vệ sinh môi trường với nguyên tắc nước rút đến đâu sẽ tổng vệ sinh môi trường đến đó. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện huyện Chương Mỹ chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, vật tư và nhân lực y tế dự kiến khám sức khỏe cho 8.500 nhân khẩu của 7 thôn bị ngập úng nặng ở 3 xã (Tân Tiến, Nam Phương Tiến, Hoàng Văn Thụ), bắt đầu từ ngày 6/8 đến 22/8/2018 ngay sau khi nước rút.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, đến thời điểm này chưa phát sinh dịch bệnh tại các xã bị ngập lụt ở huyện Chương Mỹ, các dịch bệnh khác cũng không có diễn biến bất thường./.