Hà Nội: Tuyên án vụ chuyển nhượng 'đất vàng' tại phố Bà Triệu

Tòa đã tuyên án phạt bị cáo Lương Thế Hiển - nguyên Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội 18 năm tù và vợ là Nguyễn Thị Liên 8 năm tù.
Hà Nội: Tuyên án vụ chuyển nhượng 'đất vàng' tại phố Bà Triệu ảnh 1Hai bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Kim Anh/TTXVN)

Chiều 4/5, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên án vụ chuyển nhượng hàng trăm m2 "đất vàng" tại phố Bà Triệu.

Trước đó, Hội đồng xét xử đã dành thời gian để gia đình bị cáo chuẩn bị nguồn tài chính, thương lượng bồi thường với bên bị hại. Tuy nhiên, việc thương lượng, bồi thường này bất thành.

Tòa đã tuyên án phạt vợ chồng bị cáo: Lương Thế Hiển (tức Lương Xuân Hiển, Lương Đức Hiển, sinh năm 1960, nguyên Phó Chánh Văn phòng Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội) 18 năm tù và Nguyễn Thị Liên (sinh năm 1960, vợ bị cáo Hiển) 8 năm tù về cùng tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 175, khoản 4-Bộ luật Hình sự.

Bản án sơ thẩm nêu rõ tháng 9/2017, anh Nguyễn Thanh Thủy nhờ bị cáo Hiển làm thủ tục mua nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước với giá thấp, chuyển đổi đất sử dụng chung và góp các giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng. Hiển đồng ý giúp với mức giá “ngoại giao” là 7 tỷ đồng.

Để hợp thức việc nhờ Hiển đứng tên làm giúp làm các thủ tục trên, Hiển và anh Thủy đã thống nhất thực hiện việc ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với Nguyễn Thị Liên (là vợ Hiển, do Hiển nhờ ký), viết các giấy nhận tiền góp vốn và chuyển nhượng lại phần vốn đã góp, ký các hợp đồng công chứng chuyển nhượng nhà đất tại phố Bà Triệu với Liên và Hiển.

Tuy nhiên, sau khi làm xong thủ tục mua nhà, Hiển không trả lại nhà đất anh Thủy mà chiếm đoạt, bán cho anh Lê Hải An với giá hơn 320 tỷ đồng.

Viện Kiểm sát cáo buộc vợ chồng ông Hiển đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt khu đất vàng của anh Thủy với giá trị hơn 127 tỷ đồng.

Quá trình tố tụng, bị cáo Liên thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Hiển không thừa nhận cáo trạng quy kết và cho rằng có việc hợp tác kinh doanh với anh Thủy, có việc thanh lý hợp đồng và việc anh Thủy nhượng lại 50% cổ phần. Bị cáo Hiển khai nhận đã đưa 200 tỷ đồng cho anh Thủy. Do đó, bị cáo có quyền bán tài sản trên.

Theo Hội đồng xét xử, chủ thể hợp đồng hợp tác đầu tư là anh Thủy và bị cáo Liên. Nội dung góp vốn nhà đất mục đích để kinh doanh và cho thuê. Quyền và nghĩa vụ các bên được thể hiện trong hợp đồng là bên A, bên B góp vốn 50%, mỗi bên 50 tỷ đồng. Nhiệm vụ là bên A đàm phán, thỏa thuận xong với các chủ đất, kê khai thuế bất động sản đã mua. Bên B được quyền góp vốn, đảm bảo việc kinh doanh.

Tuy nhiên, thực tế, các chủ thể hợp đồng là anh Thủy và bà Liên đều khai nhận không có việc góp vốn. Việc anh Thủy nhận 200 tỷ đồng là không có thật. Kết quả thực nghiệm điều tra cho thấy anh Thủy không thể mang số tiền trên ra khỏi căn hộ của bị cáo Hiển.

Mặt khác, tòa cho rằng không có việc bà Liên quản lý 11 sổ đỏ vì trong thời gian 6 tháng 10 ngày, anh Thủy không thể làm được số lượng sổ trên trên. Thực tế, việc mua các tài sản trên diễn ra từ rất lâu.

Hội đồng xét xử kết luận hợp đồng hợp tác kinh doanh là giả tạo, các bên không quan tâm đến quyền lợi trong hợp đồng, không có ý thức tôn trọng hợp đồng...

[Vụ "đất vàng" trên phố Bà Triệu: Thương lượng bồi thường với bị hại]

Theo biên bản thanh lý, bị cáo Hiển thanh toán 100 tỷ đồng và đây là cam kết nghĩa vụ tài chính cuối cùng nhưng sau đó anh Thủy vẫn đóng tiếp 26 tỷ đồng để mua nhà đất trên.

Bị cáo Liên còn xác nhận anh Thủy đóng tiền thuế trong khi hợp đồng mua bán thể hiện bị cáo Hiển, Liên không phải chịu số tiền này. Do đó, hợp đồng hợp tác kinh doanh và việc bán nhà là sự sắp đặt của các bị cáo. Việc Viện Kiểm sát truy tố hai bị cáo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” là không oan.

Bản án sơ thẩm nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, giá trị tài sản đặc biệt lớn, gây sự chú ý của dư luận, xã hội. Bị cáo Hiển giữ vai trò chính; từ việc nhận dịch vụ mua gom nhà đất, bị cáo đã từng bước hợp thức giấy tờ đứng tên mình, số tiền sau khi giao dịch, bị cáo Hiển mua nhiều tài sản đứng tên mình và các con.

Tòa xác định nhà đất tại số 296, 298, 300 phố Bà Triệu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng là tang vật của vụ án nên cần thu hồi 3 sổ đỏ nhà đất trên, để bàn giao lại cho bị hại là anh Thủy.

Bản án sơ thẩm đã quyết định tiếp tục kê biên 6 nhà đất do bị cáo Hiển và người thân đứng tên nhưng có nguồn tiền do phạm tội mà có, tiếp tục phong tỏa tài khoản của hai bị cáo… để đảm bảo thi hành án.

Đồng thời, bị cáo Hiển phải hoàn trả khoản tiền thu lời bất chính hơn 319 tỷ đồng cho anh Lê Hải An (là người mua lại 3 mảnh đất nói trên); thu hồi, hủy bỏ ba sổ đỏ đã được cấp cho anh An. Anh An có trách nhiệm trả lại nhà đất nói trên cho anh Thủy.

Hội đồng xét xử giữ nguyên các kiến nghị của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đối với công tác cán bộ của Sở Tài nguyên và Môi trường đồng thời, tiếp tục kiến nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an thành phố Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội cần nhanh chóng điều tra xử lý đối với các phần tách ra của vụ án theo quy định pháp luật, nhất là đối với hành vi có dấu hiệu chiếm đoạt hai nhà đất tại quận Ba Đình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục