Ngày 20/4, Hiệp hội Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp cùng Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La tổ chức lễ liên kết hợp tác phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch.
Sơn La được biết đến với những điểm đến quen thuộc như Mộc Châu, Tà Xùa-Bắc Mê, Nhà tù Sơn La... cùng cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và sắc màu văn hóa các dân tộc.
Tỉnh đang phát triển du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử, danh thắng; khôi phục các lễ hội truyền thống.
Tỉnh Sơn La đang đánh giá tài nguyên du lịch, lợi thế, tiềm năng của từng địa phương, tập trung xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch độc đáo, khác biệt, chuyên nghiệp, tạo điểm nhấn quan trọng, có tính đột phá.
Khu du lịch Mộc Châu xây dựng từ 5-6 sản phẩm du lịch đạt chuẩn, vùng Biển hồ Quỳnh Nhai từ 3-4 sản phẩm, thành phố Sơn La từ 2-3 sản phẩm, huyện Bắc Yên 2 sản phẩm, các huyện còn lại mỗi huyện 1 sản phẩm.
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Sơn La thu hút 5,2 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 5.800 tỷ đồng.
Cũng đến năm 2025, Sơn La xây dựng Khu du lịch Mộc Châu thành khu du lịch quốc gia, vùng Biển hồ Quỳnh Nhai thành khu du lịch cấp tỉnh.
[Hà Nội đẩy mạnh hợp tác liên kết du lịch với các địa phương]
Tại buổi lễ, Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La và Ủy ban Nhân dân huyện Quỳnh Nhai đã công bố sản phẩm tour du lịch mới Hà Nội-thành phố Sơn La-Quỳnh Nhai-Thuận Châu.
Với tour du lịch này, du khách được khám phá Khu du lịch Rừng Vàng, Suối hẹn Vườn Đào, Nhà tù Sơn La, Biển hồ Quỳnh Nhai, đèo Pha Đin…
Đặc biệt, Biển hồ Quỳnh Nhai có đặc trưng của vùng sông nước, núi non, các bản làng hai bên bờ, trong khu vực lòng hồ có tới 45 đảo lớn nhỏ. Biển hồ Quỳnh Nhai ấn tượng với các điểm du lịch như cầu Pá Uôn, cụm đền thờ Nàng Han-Linh Sơn Thủy Từ, đảo trái tim, vịnh Uy Phong...
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Nguyễn Mạnh Thản cho biết việc liên kết, hợp tác giữa du lịch Hà Nội-Sơn La tạo lợi thế để khai thác, phát triển sản phẩm mới, thu hút khách du lịch đến Sơn La.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, ngành du lịch đang kích cầu du lịch nội địa. Bên cạnh việc giảm giá tour, các dịch vụ du lịch thì việc xây dựng, quảng bá sản phẩm mới sẽ tạo thêm cơ hội cho du khách lựa chọn, mang thêm những trải nghiệm mới cho khách. Tuy vậy, địa phương cần đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, tạo điểm nhấn cho du khách.
Đánh giá tiềm năng du lịch của địa phương, nhiều doanh nghiệp lữ hành Hà Nội cũng cho rằng để tạo sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, địa phương cần đầu tư đồng bộ cả về sản phẩm, cơ sở lưu trú, ẩm thực, dịch vụ du lịch. Hiện tại, nhiều cơ sở hạ tầng, các dịch vụ du lịch tại đây chưa thực sự đạt chuẩn.
Với các huyện như Quỳnh Nhai, cần dựa vào lợi thế để phát triển sản phẩm du lịch mạo hiểm, thể thao như dù lượn, môtô nước, chèo chuyền kayak, đạp xe, phát triển các bản du lịch cộng đồng...
Trưởng phòng Quản lý Du lịch-Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La Bùi Khắc Bạo cho rằng tỉnh xác định phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh phát triển sản phẩm mới, Sơn La đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển du lịch; phát triển nguồn nhân lực... Đặc biệt, việc xây dựng hạ tầng du lịch sẽ được chú trọng, nhằm từng bước đưa Sơn La thành điểm đến hấp dẫn.
Tại buổi lễ, doanh nghiệp du lịch Hà Nội và Sơn La đã ký kết biên bản hợp tác khai thác, phát triển du lịch./.