Hạ viện Italy bỏ phiếu chống lại cải cách Cơ chế Ổn định châu Âu

Việc bỏ phiếu chống lại cải cách Cơ chế Ổn định châu Âu làm dấy lên hoài nghi rằng Italy sẽ phê chuẩn một hiệp ước của EU được soạn thảo để trợ giúp các ngân hàng đang phá sản.

Một phiên họp của Quốc hội Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một phiên họp của Quốc hội Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, ngày 21/12, Hạ viện Italy đã bỏ phiếu chống lại việc cải cách Cơ chế Ổn định châu Âu (ESM) được chờ đợi từ lâu, gây nghi ngờ việc phê chuẩn một hiệp ước của Liên minh châu Âu (EU) được soạn thảo để trợ giúp các ngân hàng đang phá sản.

Cuộc bỏ phiếu đã xác nhận sự phản đối sâu sắc trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Giorgia Meloni đối với việc cải cách ESM, quỹ cứu trợ khu vực đồng euro, vốn đã được tất cả các quốc gia khu vực đồng euro khác ngoại trừ Italy chấp thuận.

Phát biểu với các phóng viên, nghị sỹ Ylenia Lucaselli của đảng Anh em Italy theo chủ nghĩa dân tộc của Thủ tướng Meloni cho biết trong 6 tháng tới, Hạ viện nước này sẽ không thảo luận về ESM.

Một nguồn tin trong Văn phòng Thủ tướng Meloni, yêu cầu giấu tên, cho biết việc phản đối này có thể tạo cơ hội cho EU xem xét những thay đổi đối với ESM để cơ chế này phù hợp hơn với nhu cầu của khu vực đồng euro.

Thủ tướng Meloni và Bộ trưởng Kinh tế Italy Giancarlo Giorgetti đã không có mặt tại phòng họp để tham gia cuộc tranh luận và bỏ phiếu sau đó (chỉ có 72 phiếu ủng hộ so với 184 phiếu chống và 44 phiếu trắng).

Đảng Anh em Italy và đảng Liên đoàn của ông Giorgetti đều bỏ phiếu chống, trong khi nhóm nghị sỹ của đảng Forza Italia trong liên minh cầm quyền, bỏ phiếu trắng.

Phong trào 5 sao đối lập, do cựu Thủ tướng Giuseppe Conte đứng đầu, cũng phản đối việc này.

Nguồn tin từ Văn phòng Thủ tướng Meloni cho biết Chính phủ nước này không coi cải cách ESM là quan trọng vì hệ thống ngân hàng Italy nằm trong số những hệ thống vững chắc nhất ở châu Âu.

Thủ tướng Meloni đã nhiều lần chỉ trích ESM vì yêu cầu các nước thực hiện các chương trình thắt lưng buộc bụng hoặc cải cách tài chính để đổi lấy sự giúp đỡ của tổ chức này, cho rằng điều này sẽ làm tăng nguy cơ tái cơ cấu nợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục