Hải quan triển khai mở rộng chuyên đề chống gian lận xuất xứ

Tổng cục Hải quan triển khai mở rộng chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, EU, Ấn Độ… để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Giày TOPPER trong lô hàng tạm nhập từ Trung Quốc để xuất khẩu đi nước thứ 3 nhưng trên sản phẩm ghi Made in Vietnam do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ. (Ảnh: Vietnam+)
Giày TOPPER trong lô hàng tạm nhập từ Trung Quốc để xuất khẩu đi nước thứ 3 nhưng trên sản phẩm ghi Made in Vietnam do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ. (Ảnh: Vietnam+)

Trong xu hướng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại ưu đãi thuế quan (FTA) với các nước trên thế giới. Lợi dụng ưu đãi thuế quan của Việt Nam được hưởng đối với các nước ký kết hiệp định, thời gian qua đã nổi lên vấn đề lợi dụng xuất xứ Việt Nam để được hưởng ưu đãi đối với các hàng hóa xuất khẩu.

Năm 2020, Tổng cục Hải quan đã triển khai mở rộng chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Liên minh châu Âu, Ấn Độ… để phòng ngừa và kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận, giả mạo xuất xứ, đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Bảo vệ uy tín thương hiệu quốc gia

Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục Trưởng Tổng cục Hải quan cho biết để giải quyết vấn đề cấp bách, có nguy cơ ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam, có thể gây hậu quả xấu đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước, thương hiệu hàng Việt Nam cũng như hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, Tổng cục Hải quan được Bộ Tài chính giao nhiệm vụ là đơn vị tiên phong triển khai chuyên đề chống gian lận, giả mạo xuất xứ.

Ông Cẩn nhấn mạnh: “Ở tầm quốc gia, những giải pháp triển khai quyết liệt của Việt Nam đã góp phần thay đổi quan niệm của Mỹ trong việc thực hiện các chính sách phòng vệ thương mại đối với một số nhóm mặt hàng có nguy cơ gây bất lợi cho kinh tế Việt Nam và quan hệ ngoại giao hai nước. Đây cũng là lời khẳng định của Chính phủ Việt Nam về việc kiên quyết xử lý, không bao che đối với các doanh nghiệp thực hiện các hành vi giả mạo xuất xứ hàng hóa Việt Nam để trục lợi.”

Bên cạnh đó, việc triển khai chuyên đề nhằm giữ gìn, khẳng định thương hiệu, uy tín hàng Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế. Đây không chỉ là trách nhiệm của ngành hải quan mà còn là hành động tích cực của Chính phủ Việt Nam đối với việc thực hiện nghiêm túc các cam kết FTA, qua đó khẳng định uy tín và chất lượng của hàng Việt Nam xuất khẩu, giúp Việt Nam tận dụng được tối đa ưu thế trong việc tham gia các FTA để phát triển kinh tế.

Lắp ráp linh kiện ngoại “phù phép” thành hàng hóa xuất xứ Việt Nam

Ông Trần Mạnh Cường, Phó cục trưởng Cục kiểm tra sau thông quan, Tổng cục Hải quan cho biết trong năm 2020, qua công tác kiểm tra sau thông quan ngành đã thực hiện kiểm tra sau thông quan bốn doanh nghiệp lắp ráp xe đạp, xe đạp điện xuất khẩu đi Mỹ. Kết quả phát hiện cả bốn doanh nghiệp này đều vi phạm xuất xứ hàng hóa.

Cụ thể, các doanh nghiệp nhập khẩu đầy đủ các bộ phận, linh kiện của xe đạp, xe đạp điện ở dạng chưa lắp ráp hoặc tháo rời về Việt Nam để lắp ráp thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện hoàn chỉnh. Trên thực tế, các bộ phận, linh kiện nhập khẩu không trải qua bất kỳ công đoạn gia công, sản xuất nào hoặc chỉ là công đoạn gia công đơn giản không làm thay đổi bản chất hàng hóa (như gia công sơn khung, càng, ghi đông, tay lái, in Label cho một số sản phẩm).

Hải quan triển khai mở rộng chuyên đề chống gian lận xuất xứ ảnh 1Toàn bộ linh kiện của một chiếc xe đạp được nhập khẩu từ Trung Quốc, doanh nghiệp chỉ đưa về Việt Nam lắp ráp lại hòng đội lốt hàng Made in Vietnam. (Ảnh: Vietnam+)

Nhưng sau đó, các doanh nghiệp này  lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh và “phù phép” cho toàn bộ linh kiện trên trực tiếp chuyển hóa thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện xuất xứ “Việt Nam.”

Đối với nhóm mặt hàng pin năng lượng mặt trời, ngành hải quan kiểm tra sau thông quan 5 doanh nghiệp và phát hiện các đơn vị này xuất khẩu tấm module năng lượng mặt trời được sản xuất từ nguồn nguyên liệu chính là các tấm tế bào quang điện (được mua từ các nhà cung cấp sản xuất tại Việt Nam và nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài). Cụ thể, các tấm module năng lượng mặt trời xuất khẩu của doanh nghiệp được sản xuất từ các tấm tế bào quang điện nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định.

Tương tự đối với nhóm mặt hàng gỗ, đồ gỗ nội thất, đơn vị hải quan kiểm tra sau thông quan 12 doanh nghiệp, cho thấy các doanh nghiệp này nhập khẩu (hoặc mua lại từ hàng nhập khẩu) dưới dạng linh kiện rời, đồng bộ hoặc nhập khẩu ở dạng bán thành phẩm về gia công đơn giản (như khoan lỗ, chà nhám và sơn), rồi lắp ghép thành sản phẩm hoàn chỉnh (tủ, giá sách, giường, bàn sofa, bàn trà, bàn cocktail). Việc làm trên của các doanh nghiệp này đã vi phạm tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định.

Ngoài ra, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cũng cho hay, các đơn vị cũng phát hiện 2 doanh nghiệp thủy sản có hành vi khai sai xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Ngoài ra, ngành còn phát hiện 1 doanh nghiệp không được Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp ủy quyền để thực hiện việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, nhưng công ty này vẫn tự phát hành C/O cho nhiều doanh nghiệp thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Điều tra chống buôn lậu khẩn trương chủ động tiến hành làm rõ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03)-Bộ Công an thực hiện các hoạt động điều tra, làm rõ sai phạm của đối tượng để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, toàn ngành đã tổ chức rà soát, mở rộng điều tra để xử lý đối với các trường hợp tương tự.

Tạo môi trường bình đẳng

Ông Cẩn nhấn mạnh việc ngăn chặn, phòng ngừa hiệu quả những sai phạm về xuất xứ hàng hóa sẽ khuyến khích doanh nghiệp trong nước đồng thời tạo môi trường bình đẳng trong cạnh tranh phát triển.

“Việc kiểm tra xử lý các sai phạm đã lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp, qua đó nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Với công tác này, cộng đồng doanh nghiệp được cảnh báo về các nguy cơ vi phạm dễ mắc phải để chủ động phòng tránh, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của Việt Nam. Điều này được thể hiện qua việc sau khi phát hiện sai phạm, doanh nghiệp đã chủ động khắc phục, đầu tư thêm máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất để đáp ứng hàm lượng xuất xứ Việt Nam. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp làm ăn chân chính yên tâm và tin tưởng về môi trường bình đẳng trong nước để đầu tư, phát triển hàng Việt Nam xuất khẩu,” ông Cẩn nói.

Để hoàn thiện hành lang pháp lý trong quản lý hàng xuất khẩu, đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước và tận dụng được tối đa ưu thế của Việt Nam trong việc thực hiện các FTA, Tổng cục Hải quan đã phát hiện và kiến nghị bổ sung, sửa đổi nhiều văn bản pháp luật về xuất xứ liên quan đến nhiều bộ, ngành.

Theo ông Cẩn, nếu không có quá trình kiểm tra, xử lý kết quả kiểm tra thực tế, những lỗ hổng, bất cập trong các văn bản pháp luật về lĩnh vực này rất khó được đánh giá, tổng kết để bổ sung, sửa đổi cho kịp thời, phù hợp với tình hình mới.

Về công tác kiểm tra chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp của ngành hải quan, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nhấn mạnh toàn ngành đã triển khai rất thành công và kết quả này vô cùng ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do mới và đẩy mạnh quan hệ thương mại sang Hoa Kỳ.

“Năm 2021, ngành hải quan tiếp tục tăng cường kiểm tra chống gian lận xuất xứ, chuyển tái bất hợp pháp, tăng cường phối hợp hải quan Hoa Kỳ và các nước trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ và thực hiện tốt nhiệm vụ của cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia,” Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết./.

Hải quan triển khai mở rộng chuyên đề chống gian lận xuất xứ ảnh 2Dây sạc điện thoại di động thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng ghi Made in Vietnam do Hải quan Hải Phòng phát hiện, bắt giữ. (Ảnh: Vietnam+)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục