Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Bộ Hải dương và Thủy sản Hàn Quốc (MOF) ngày 30/11 đã báo cáo chính phủ nước này về "Chiến lược hành động vì Bắc Cực 2050" nhằm đề ra phương hướng hoạt động của Hàn Quốc trong trung và dài hạn hướng tới tăng cường năng lực hoạt động ở Bắc Cực.
Theo bộ trên, ngoài các hoạt động tập trung vào công tác nghiên cứu khoa học, "Chiến lược hành động vì Bắc Cực 2050" còn thể hiện quyết tâm của chính phủ Hàn Quốc góp phần giải quyết các vấn đề nổi cộm ở khu vực này như đối phó với khủng hoảng khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái biển Bắc Cực; mở rộng hợp tác với các nước và vùng lãnh thổ thuộc vòng Bắc Cực; tìm kiếm hoạt động kinh tế mới ở Bắc Cực; mở rộng cơ sở hạ tầng và chế độ cho các hoạt động để trở thành nước đi đầu về quản lý Bắc Cực vào năm 2050.
Chính phủ Hàn Quốc dự định trước mắt sẽ đầu tư 277,4 tỷ won (233,4 triệu USD), sử dụng tàu nghiên cứu phá băng thế hệ mới, vệ tinh Cube và trạm quan trắc vĩ độ cao để xây dựng mạng lưới quan trắc tổng hợp vòng Bắc Cực cùng đập dữ liệu địa cực.
Ngoài ra, căn cứ vào mạng lưới quan trắc tổng hợp vòng Bắc Cực và đập dữ liệu địa cực, chính phủ Hàn Quốc sẽ thử tái hiện Bắc Băng Dương, phát triển công nghệ bảo vệ môi trường và hệ sinh thái Bắc Cực như công nghệ giảm nguyên nhân gây ô nhiễm biển gồm rác thải biển, bụi mịn...
[EU mở văn phòng đại diện ở Bắc Cực, cam kết bảo vệ môi trường]
Bên cạnh đó, chính phủ nước này cũng có kế hoạch đi đầu trong các nghiên cứu chung quốc tế nhằm đối phó với biến đổi khí hậu tại Bắc Cực, đồng thời nâng cao năng lực dự báo khí hậu bất thường trong nước (như rét tăng cường và mưa lớn cục bộ mà nguyên nhân là do biến đổi môi trường ở Bắc Cực), hướng tới mục tiêu đến năm 2035 trở thành nước phát triển trong lĩnh vực này.
Theo nội dung "Chiến lược hành động vì Bắc Cực 2050" của MOF, Hàn Quốc có kế hoạch khám phá và thúc đẩy các dự án hợp tác với 8 nước cửa ngõ vòng Bắc Cực, trong đó có Mỹ, Nga, Na Uy và Đan Mạch; tăng cường hợp tác đa phương với Hội đồng Bắc Cực để trở thành nước đối tác về Bắc Cực cũng như tham gia vào sự phát triển bền vững của Bắc Cực.
Ngoài ra, chiến lược này còn có nội dung bồi dưỡng nhân lực chuyên môn trong từng lĩnh vực cụ thể như nghiên cứu khoa học, kinh tế-xã hội và tuyến đường biển Bắc Cực.
Theo MOF, chính phủ Hàn Quốc sẽ chỉ định Viện nghiên cứu Địa cực Hàn Quốc (KOPRI) và trường Đại học Khoa học và Công nghệ (UST) phát triển chương trình giảng dạy chuyên về khoa học địa cực và mở các môn học liên quan, đồng thời xây dựng một chương trình thực tập, trong đó các chuyên gia Hàn Quốc tham gia Hội đồng Bắc Cực, thúc đẩy có hệ thống chương trình đào tạo thực tế về điều hướng Bắc Cực.
Cùng với đó, chính phủ Hàn Quốc cũng có kế hoạch xây dựng cơ quan tham vấn chính sách để bao quát các hoạt động ở Bắc Cực, tăng cường hoạt động đào tạo và quảng bá nhằm nâng cao nhận thức của người dân nước này về Bắc Cực./.