Hàn Quốc, NATO lập quan hệ đối tác hợp tác mới trong 11 lĩnh vực

IPCP vạch ra hoạt động hợp tác trong 7 lĩnh vực, gồm kết nối chính trị-quân sự, phòng thủ mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố, trong khi ITPP tăng số lượng lĩnh vực hợp tác lên 11.
Hàn Quốc, NATO lập quan hệ đối tác hợp tác mới trong 11 lĩnh vực ảnh 1Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Nguồn: koreajoongang daily)

Theo Yonhap, Phủ Tổng thống Hàn Quốc thông báo Tổng thống Yoon Suk Yeol và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 11/7 đã thiết lập quan hệ đối tác hợp tác song phương mới trong 11 lĩnh vực, từ chống khủng bố, không phổ biến vũ khí hạt nhân, cho tới các ngành công nghệ mới nổi và phòng thủ mạng.

Trong cuộc gặp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO đang diễn ra ở thủ đô Vilnius (Litva), hai bên đã thông qua Chương trình Hợp tác được điều chỉnh riêng (ITPP), nâng cấp quan hệ song phương từ Chương trình Hợp tác Đối tác cá nhân (IPCP) được thiết lập vào năm 2012.

IPCP vạch ra hoạt động hợp tác trong 7 lĩnh vực, bao gồm kết nối chính trị-quân sự, phòng thủ mạng, không phổ biến vũ khí hạt nhân và chống khủng bố, trong khi ITPP gia tăng số lượng lĩnh vực hợp tác lên 11, bao gồm cả đối thoại và tham vấn nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau về các mối đe dọa an ninh chung.

Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố: "Tôi có mặt ở đây để thể chế hóa một khuôn khổ hợp tác bằng cách thiết lập ITPP và thực hiện các cuộc tham vấn về hợp tác với NATO trong lĩnh vực thông tin quân sự và mạng. Vào thời điểm khi không thể tách rời an ninh ở Đại Tây Dương và an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, điều quan trọng hơn bao giờ hết là phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, với NATO."

[NATO, Hàn Quốc ký thỏa thuận công nhận sự an toàn của máy bay]

Về phần mình, ông Stoltenberg đồng quan điểm với Tổng thống Yoon Suk Yeol, khẳng định Hàn Quốc là một đối tác được đánh giá cao của NATO. Ông nói: “Chúng tôi đánh giá cao quan hệ hợp tác với các bạn vì an ninh không phải chỉ dừng ở cấp khu vực mà là an ninh toàn cầu. Những gì xảy ra ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương quan trọng đối với châu Âu và những gì xảy ra ở châu Âu cũng quan trọng đối với Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương."

Ngoài ra, trong cuộc gặp, nhà lãnh đạo Hàn Quốc giải thích kế hoạch của nước này trong việc thành lập một trung tâm diễn tập mạng quốc tế vào năm 2027, đồng thời bày tỏ hy vọng sự hợp tác chặt chẽ giữa trung tâm mới này và Trung tâm Hợp tác phòng thủ không gian mạng ưu việt (CCDCOE) của NATO.

Ông Yoon Suk Yeol còn tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của Hàn Quốc đối với Ukraine trong cuộc chiến hiện nay, và người đứng đầu NATO cảm ơn chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ người dân Ukraine. Hai bên còn thảo luận về chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Cơ quan Quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA) ngày 22/6 cho biết nước này và NATO đã ký thỏa thuận khởi động quy trình công nhận máy bay quân sự do hai bên sản xuất đủ an toàn để bay.

Theo DAPA, nếu quá trình công nhận song phương hoàn tất, NATO sẽ công nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện bay mà Chính phủ Hàn Quốc cấp cho một chiếc máy bay do nước này sản xuất.

Hồi tháng 1, Tổng thống Hàn Quốc cũng đã có cuộc gặp người đứng đầu NATO thảo luận mối quan hệ Hàn Quốc-NATO, chiến lược của Hàn Quốc đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như chương trình hạt nhân của Triều Tiên, cùng các vấn đề khác.

Ngoài ra, ông Stoltenberg cũng gặp Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Lee Jong Sup, thảo luận an ninh khu vực và hợp tác song phương.

Hai bên cũng nhất trí hợp tác để tăng cường trao đổi thông tin về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng mới, chẳng hạn như khoa học và công nghệ quốc phòng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục