Hàng chục hộ dân ở Công viên văn hóa Tràng An mòn mỏi chờ tái định cư

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Ninh Bình, công tác di dời giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân ở dự án Công viên văn hóa Tràng An chưa thể thực hiện do chưa bố trí được kinh phí.
Hàng chục hộ dân ở Công viên văn hóa Tràng An mòn mỏi chờ tái định cư ảnh 1Người dân thôn Ích Duệ gặp nhiều khó khăn do nhà cửa xuống cấp, bị mưa dột vào những ngày trời mưa. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Hơn 14 năm qua, 80 hộ dân thôn Ích Duệ, xã Ninh Nhất, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình nằm trong vùng quy hoạch Dự án Công viên văn hóa Tràng An vẫn chưa được bố trí tái định cư khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Người dân xã Ninh Nhất mong mỏi dự án sớm được thực hiện để ổn định cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Hải, thôn Ích Duệ chia sẻ nhận được thông báo của chính quyền địa phương từ trước những năm 2010 về việc trên 400m2 đất của gia đình nằm trong diện giải tỏa để thực hiện Dự án Công viên văn hóa Tràng An, gia đình đã nghiêm túc chấp hành.

Tuy nhiên, từ đó đến nay, chính quyền chỉ đến kiểm kê, đo đạc diện tích, kiến trúc nhà cửa, cây cối hoa màu chứ chưa được đền bù và có hướng di dời cho người dân sang nơi ở mới. Ngôi nhà cấp 4 xây từ nhiều năm nay giờ đã xuống cấp trầm trọng. Mỗi khi trời mưa, ba mẹ con bà Hải lại phải lấy xô, chậu ra hứng nước và phủ bạt trên đỉnh màn để tránh nước mưa dột xuống.

"Năm 2017, chồng tôi không may bị bệnh hiểm nghèo cần số tiền lớn để chữa trị. Lúc này, gia đình chỉ còn có căn nhà là đáng giá nhất. Tôi mang sổ đỏ đi để cầm cố lấy tiền chữa bệnh cho chồng nhưng đất nằm trong vùng quy hoạch nên không ngân hàng nào chấp thuận cho vay. Cũng do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lại không được vay tiền chữa trị, chồng tôi đã mất vào năm 2018. Giờ đây, hai con trai đã lớn nhưng gia đình không thể tách thửa, xây mới để các con lập gia đình có cuộc sống riêng. Tôi chỉ mong muốn các cấp chính quyền sớm có phương án đền bù, tái định cư để người dân ổn định cuộc sống" - bà Nguyễn Thị Hải cho biết.

Gia đình chị Đoàn Thị Mơ, thôn Ích Duệ đang sống trong căn nhà cấp 4. Căn bếp do xây dựng lâu năm đã gần sập mà không được phá đi xây mới nên gia đình chị phải nhiều lần chằng chống bằng cột. Mỗi lần nấu bếp, chị Mơ rất lo lắng bởi căn bếp có thể sập bất cứ lúc nào đặc biệt là những ngày mưa bão. Gia đình chị và người dân trong thôn đã kiến nghị nhiều lần nhưng vẫn chưa được giải quyết.

[Hà Nội: Đề nghị sớm nghiệm thu dự án khu di dân Đền Lừ 3]

Ông Lê Trọng Thệ, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ninh Nhất cho hay Dự án Công viên văn hóa Tràng An triển khai từ năm 2008 đến nay đã hơn chục năm. Năm 2019, người dân đã được công bố dự thảo phương án bồi thường nhưng thời điểm này giá đền bù cho đất vườn ao cùng thửa đất với nhà ở theo người dân quá thấp nên đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền xem xét lại.

Người dân kiến nghị nhiều lần lên Ủy ban Nhân dân tỉnh và thành phố Ninh Bình về việc sớm triển khai dự án, đền bù và tái định cư để người dân ổn định cuộc sống.

Hàng chục hộ dân ở Công viên văn hóa Tràng An mòn mỏi chờ tái định cư ảnh 2Dự án Công viên văn hóa Tràng An xây dựng dở dang. (Ảnh: Hải Yến/TTXVN)

Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Ninh Bình, Dự án Công viên văn hóa Tràng An do Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thành phố Ninh Bình đã kê khai, kiểm đếm theo quy trình, ban hành các kế hoạch thông báo thu hồi đất, tổ chức kê khai, kiểm đếm, dự thảo phương án và công khai lấy ý kiến. Tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện công tác giải phóng mặt bằng đối với các hộ do chưa bố trí được kinh phí.

Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Ninh Bình cho biết đối với kiến nghị của người dân thôn Ích Duệ về giá đất vườn ao cùng thửa với đất nhà ở quá thấp, ủy ban nhân dân thành phố đã kiến nghị với các cấp có thẩm quyền để có chính sách đền bù hợp lý. Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố đã tính toán phương án đền bù cho người dân thôn Ích Duệ và gửi hồ sơ để Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xem xét.

Còn việc công trình, nhà cửa của các hộ dân bị xuống cấp, hư hỏng, Ủy ban Nhân dân thành phố Ninh Bình đã có văn bản giao xã Ninh Nhất và các phòng chuyên môn, trong trường hợp người dân đề nghị cải tạo, sửa chữa, sẽ khảo sát, thống nhất phương án sửa chữa hợp lý đảm bảo an toàn, hiệu quả, tránh lãng phí.

Thành phố cũng giao cho ủy ban nhân dân xã, phường trong vùng dự án vào mùa mưa bão thực hiện kiểm tra, đánh giá hiện trạng nhà của các hộ dân thuộc vùng dự án. Trường hợp không đảm bảo an toàn phải có phương án xử lý kịp thời đảm bảo tính mạng, tài sản. Ủy ban nhân dân thành phố mong muốn dự án sớm triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ đến nơi ở mới để bà con ổn định cuộc sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục