Hàng không châu Âu: Tương lai nào sẽ đến một mùa Hè "hỗn loạn"?

Hàng không châu Âu: Kỳ vọng "cất cánh" sau mùa Hè "hỗn loạn"

Cuộc khủng hoảng ngành hàng không bắt nguồn từ tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng tại các hãng hàng không, các sân bay trong bối cảnh hoạt động du lịch phục hồi mạnh sau đại dịch.
Hàng không châu Âu: Kỳ vọng "cất cánh" sau mùa Hè "hỗn loạn" ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những ngày này, cảnh tượng du khách xếp hàng rồng rắn, hành lý thất lạc chất đống không được xử lý, các chuyến bay bị hủy hoặc trễ giờ đã trở thành chuyện thường ngày tại các sân bay trên khắp châu Âu.

Từ đầu Hè, các hãng hàng không đã hủy hàng chục nghìn chuyến bay, khiến hàng triệu hành khách bị mắc kẹt, trong khi các sân bay phải giải quyết hàng loạt trục trặc kỹ thuật và các cuộc đình công của nhân viên. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định các vấn đề của ngành hàng không sẽ được giải quyết sau mùa Hè này.

Khủng hoảng sau đại dịch

Mặc dù sự hỗn loạn đang diễn ra trên toàn cầu, nhưng cuộc khủng hoảng của ngành hàng không ở châu Âu là đặc biệt tồi tệ.

Từ tháng Năm, các hãng hàng không Mỹ đã hủy 21.000 chuyến bay, chiếm khoảng 2,7% tổng số chuyến bay theo lịch trình. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn nhiều so với châu Âu. Theo dữ liệu của công ty theo dõi chuyến bay RadarBox.com, từ tháng 4-6/2022, châu Âu có số chuyến bay bị hủy cao gấp hơn hai lần so với Mỹ. Từ ngày 1/4 đến ngày 29/6, 10 sân bay hoạt động kém nhất châu Âu đã hủy 64.100 chuyến bay.

Còn theo công ty phân tích dữ liệu hàng không Cirium, chỉ riêng trong tháng Sáu, các hãng hàng không của Anh, Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã hủy gần 8.000 chuyến, cao gấp 3 lần con số năm 2019. Trong tuần đầu tháng Tám, hãng British Airways (Anh) đã hủy hơn 1.000 chuyến bay từ Heathrow và Gatwick (London), trong khi Air France (Pháp) và Lufthansa (Đức) đã phá vỡ lịch trình bay với việc cắt giảm hàng trăm chuyến bay.

Cuộc khủng hoảng ngành hàng không bắt nguồn từ tình trạng thiếu nhân lực nghiêm trọng tại các hãng hàng không, các sân bay và các công ty dịch vụ mặt đất trong bối cảnh hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch.

Hai năm trước, khi các lệnh phong tỏa nhằm kiểm soát dịch COVID-19 được áp đặt khắp châu Âu, các hãng hàng không phải chật vật để tồn tại, buộc phải cắt giảm lao động hàng loạt để giảm chi phí trong bối cảnh thua lỗ chồng chất.

Hãng British Airway đã giảm khoảng 10.000 trong số 42.000 nhân sự và các hãng hàng không khác cũng có những bước đi tương tự. Công ty dịch vụ mặt đất Swissport (Thụy Sỹ) giảm 20.000 trong tổng số 65.000 nhân viên trên khắp thế giới.

Theo một nghiên cứu của tổ chức tư vấn Oxford Economics, số người làm việc trong ngành hàng không đã giảm hơn 2,3 triệu vào tháng 9/2021, và tại thời kỳ đỉnh dịch, khoảng 191.000 nhân viên của các sân bay và hãng hàng không châu Âu phải nghỉ việc.

Một nghiên cứu do Liên đoàn Công nhân Vận tải châu Âu công bố vào tháng 1/2021 cũng cho thấy, 58,5% số nhân viên mặt đất của các sân bay không làm việc, ít nhất 23% trong số đó bị nghỉ việc.

[Triển vọng hồi phục của ngành hàng không châu Âu thêm mịt mờ]

Việc các hãng hàng không và sân bay đồng loạt cắt giảm nhân sự mà không chuẩn bị cho sự trở lại của du khách, mặc dù nhu cầu du lịch được dự báo sẽ tăng cao sau 2 năm bị kìm hãm vì đại dịch, đã khiến ngành hàng không rơi vào khủng hoàng.

Theo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc (UNTWO), lượng khách du lịch quốc tế sẽ đạt khoảng 70% mức trước đại dịch vào năm 2022, và châu Âu đang dẫn đầu sự phục hồi này.

Từ tháng 1-3/2022, lượng khách quốc tế đến châu Âu tăng 280% so với cùng kỳ năm 2021. Sự bùng nổ này một phần do các nước châu Âu đi đầu trong việc nới lỏng các quy định phòng dịch. Vào đầu Hè, 31 điểm đến ở châu Âu đã không còn áp dụng các quy định nhập cảnh liên quan đến kiểm soát dịch COVID-19.

Giờ đây, khi hoạt động du lịch trở lại, các sân bay, trong đó có Heathrow và Schiphol (Amsterdam), không có đủ nhân viên trực tại khu vực kiểm tra hành lý, an ninh và đội bay, vì vậy phải yêu cầu các hãng hàng không cắt giảm chuyến bay.

Trong khi thiếu nhân lực nghiêm trọng, ngành hàng không còn phải đối mặt với hàng loạt các cuộc đình công của nhân viên do bất bình với điều kiện làm việc cũng như việc bị giảm lương trong thời kỳ đại dịch. Phi hành đoàn tại Tây Ban Nha của hãng Ryanair đã thực hiện cuộc đình công kéo dài 12 ngày trong tháng Bảy và công bố sẽ tiếp tục các cuộc đình công kéo dài trong 5 tháng, bắt đầu từ ngày 8/8.

Hàng loạt các cuộc đình công khác cũng diễn ra trên khắp châu Âu như cuộc đình công của phi công hãng Scadinavian (Đan Mạch, Na Uy, Thụy Sỹ), nhân viên hãng easyJet (Thụy Sỹ), nhân viên kiểm tra an ninh sân bay ở Đức, lính cứu hỏa ở sân bay Charles De Gaulle (Pháp), nhân viên dọn vệ sinh sân bay ở Hà Lan, và nhân viên kiểm soát bay ở Italy.

Dù không phải là ngành duy nhất chịu khủng hoảng nhân lực trong điều kiện thị trường lao động thắt chặt hiện nay, việc tuyển dụng trở lại nhân viên của ngành hàng không đặc biệt khó do những quy định về an ninh. Các nhân viên mới được tuyển dụng phải vượt qua kiểm tra lý lịch trước khi được phép làm việc. Các quy trình này có thể mất vài tuần, thời gian mà các ứng viên có thể đã tìm được một công việc khác.

Trong khi đó, sự gián đoạn chuỗi cung ứng nằm ngoài tầm ngoài tầm kiểm soát của các hãng hàng không khiến tình hình thêm tồi tệ. Để thực hiện một chuyến bay, các hãng hàng không phải sử dụng dịch vụ của các công ty khác nhau, từ các nhà cung cấp nhân sự làm thủ tục bay cho hành khách, nhân viên xử lý hành lý, tới các công ty an ninh sân bay và công ty cung cấp dịch vụ ăn uống trên chuyến bay. Khi một trong các mắt xích của chuỗi cung ứng này gặp vấn đề, các hãng hàng không ngay lập tức chịu tác động.

Ngoài ra, các hãng hàng không đang bán số lượng vé nhiều hơn khả năng cung cấp dịch vụ, làm trầm trọng thêm tình trạng hỗn loạn.

Mặc dù các hãng hàng không đang đẩy nhanh quá trình tuyển dụng, vẫn cần thời gian đào tạo nhân viên trong các lĩnh vực như an ninh hay dịch vụ mặt đất. Vì vậy, tình trạng hỗn loạn được dự báo có thể sẽ tiếp tục ở châu Âu cho đến cuối mùa Hè trong bối cảnh số lượng hành khách vẫn tăng cao và vượt quá công suất hoạt động của các sân bay và hãng hàng không.

Hàng không châu Âu: Kỳ vọng "cất cánh" sau mùa Hè "hỗn loạn" ảnh 2Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hội đồng hàng không quốc tế dự báo trong cả mùa Hè này, 2/3 số sân bay ở châu Âu sẽ không tránh khỏi tình trạng chậm chuyến. Cơ quan kiểm soát không lưu châu Âu cũng cảnh báo các hãng hàng không của châu lục sẽ chịu gián đoạn trong suốt mùa Hè.

Triển vọng nào cho sự phục hồi?

Trước những thách thức đó, các nhà phân tích nhận định rằng ngành hàng không có thể phục hồi sau khi mùa Hè kết thúc.

Theo dự báo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), ngành hàng không đang trên đà phục hồi không chỉ trong năm 2022 mà cả các năm tiếp theo.

Theo một báo cáo của IATA công bố vào tháng Sáu, ngành vận tải hàng không đã chứng tỏ khả năng phục hồi trong năm 2022. Mặc dù chỉ số khách luân chuyển toàn cầu RPK, đo lường lượng hành khách vận chuyển của một hãng hàng không, được dự báo sẽ thấp hơn mức trước đại dịch 2019 cho đến năm 2024, chỉ số này đang tăng tốc trong năm nay khi các hạn chế đi lại được dỡ bỏ và nhiều đường bay được mở lại. Chỉ số hàng hóa luân chuyển CTK cũng tăng trong năm 2022.

Các chuyên gia trong ngành cho rằng những vấn đề như thiếu hụt lao động, khó khăn trong tuyển dụng và đào tạo nhân viên, và hoạt động quá tải so với nhu cầu sẽ được giải quyết sau mùa Hè này. Việc các hãng hàng không cũng như các sân bay sẽ bắt đầu trả lương cao hơn là đương nhiên bởi đây là cơ sở để giải quyết vấn đề thiếu hụt lao động. Trong khi đó, đào tạo nhân viên được tuyển chọn sẽ chỉ là vấn đề thời gian và hệ thống sẽ trở lại hoạt động bình thường.

Các chuyên gia cũng chỉ ra triển vọng tăng trưởng nhờ xu hướng tất yếu của việc tăng giá vé. Hiện nay, sự cạnh tranh gay gắt trên tất cả các đường bay của các hãng hàng không giá rẻ khiến việc bay trở nên rẻ đến khó tin. Thậm chí, chi phí để đến một sân bay hoặc chi phí gửi xe tại sân bay còn đắt hơn một chuyến bay từ London đến Barcelona (Tây Ban Nha) hoặc Athens (Hy Lạp), nhưng điều này có thể sẽ không còn tiếp diễn trong tương lai.

Chủ tịch hãng hàng không giá rẻ Ryanair, Michael O’Leary, mới đây cảnh báo giá vé sẽ tăng đều đặn trong vòng 5 năm tới bởi vé máy bay đã quá rẻ trong thời gian dài. Khi giá vé tăng, tỷ suất lợi nhuận đương nhiên cũng tăng và công suất bị cắt giảm của ngành hàng không sẽ được khôi phục.

Trong khi đó, những thách thức về môi trường đối với ngành vận tải hàng không quốc tế bắt đầu giảm trong bối cảnh đầu tư vào các nhiên liệu thay thế cho máy bay đang gia tăng. Các lựa chọn thay thế có thể là nhiên liệu sinh học, hoặc máy bay chạy bằng hydro hoặc chạy điện. Theo các chuyên gia, những thách thức kỹ thuật này có thể được giải quyết trong vòng ba năm tới, và điều này sẽ thay đổi đáng kể triển vọng của ngành hàng không.

Theo báo cáo của IATA, cam kết của ngành vận tải hàng không quốc tế đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của ngành theo mô hình bền vững, toàn diện và thịnh vượng. Khi thế giới có thể trữ và vận chuyển năng lượng Mặt Trời trong thời gian dài và khoảng cách lớn, năng lượng sẽ dồi dào, rẻ, bền vững và dễ tiếp cận, khiến năng lượng không còn là thách thức đối với hàng không.

Mặc dù cổ phiếu của nhiều hãng hàng không đang chạm đáy, các chuyên gia tin vào triển vọng phục hồi của ngành, chỉ ra nhu cầu đi du lịch luôn cao và di chuyển bằng đường hàng không vẫn sẽ là lựa chọn số một của phần đông du khách trong các chuyến đi xa.

Đầu tháng Bảy, tỷ phú giàu nhất nước Đức, Klaus-Michael Kuehne, đã trở thành cổ đông lớn nhất của hãng hàng không quốc gia Lufthansa, hãng hàng không lớn thứ 2 châu Âu, sau khi chi 330 triệu euro (338 triệu USD) để tăng cổ phần từ 10% lên 15% vào hãng này, báo hiệu các nhà đầu tư lớn đã sẵn sàng cho sự phục hồi của ngành hàng không./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục