Nguyên do xảy ra những bất ổn lớn trong ngành hàng không châu Âu

Sự tích tụ những thách thức, điểm yếu chưa từng có khiến lĩnh vực hàng không châu Âu trở nên đặc biệt nhạy cảm trong mùa Hè này khiến hành khách gặp phải những sự cố vượt quá sức tưởng tượng của họ.
Nguyên do xảy ra những bất ổn lớn trong ngành hàng không châu Âu ảnh 1Hành khách chờ đổi vé của Hãng hàng không Ryanair ở sân bay El Prat, Tây Ban Nha do cuộc đình công của nhân viên hàng không châu Âu, ngày 30/6 vừa qua. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sự tích tụ những thách thức và điểm yếu chưa từng có khiến lĩnh vực hàng không châu Âu trở nên đặc biệt nhạy cảm trong mùa Hè này và khiến hành khách gặp phải những sự cố vượt quá sức tưởng tượng của họ.

Sau 2 năm bị dịch bệnh hoành hành, mùa Hè này, mọi người đều muốn được đi du lịch trở lại, với gia đình, bạn bè với mục đích là được di chuyển, được lên máy bay để thoát khỏi hai năm bị nhốt tại nhà. Như vậy, lẽ ra ngành hàng không nên vui mừng và chia sẻ niềm vui này với các nhân viên của mình.

Tuy nhiên, hiếm khi xảy ra nhiều sự cố như vậy: biểu tình, đình công, chậm chuyến, hủy chuyến... và cuối cùng sân bay hỗn loạn. Hành khách phải xếp hàng dài nhiều cây số để vào được sân bay, rời khỏi sân bay hoặc phải chờ đợi rất lâu để lên máy bay.

Tại Bỉ, hãng hàng không Brussels Airlines đã phải hủy 675 chuyến bay trong mùa Hè này, trong khi sân bay Schiphol (Amsterdam) đã trở thành trường hợp điển hình ở châu Âu về sự hỗn loạn. Trung tâm giao thông hàng không này, một trong những trung tâm quan trọng nhất ở châu Âu, đã buộc phải giảm số lượng chuyến bay vì không có đủ nhân viên để cung cấp các dịch vụ mặt đất (hành lý, làm thủ tục, kiểm soát hải quan..).

Tại Pháp, lãnh đạo hãng hàng không đã phải gửi lời "xin lỗi chân thành và sâu sắc" đến hành khách sau sự cố gián đoạn chuyến bay trong những ngày gần đây, đặc biệt là do một cuộc đình công của nhân viên tại sân bay Roissy, nơi hàng nghìn kiện hành lý vẫn đang bị phong tỏa. Tại Tây Ban Nha, sau sáu ngày đình công, đại diện của công đoàn Tây Ban Nha (USO) đã thông báo ba giai đoạn mới trong bốn ngày đình công tới đối với Ryanair: 12-15/7; 18-21/7 và từ ngày 25-28/7.

Tại Thụy Điển, hãng hàng không Scandinavian Airlines (SAS) đã thông báo hủy 50% chuyến bay sau một cuộc đình công của các phi công, trong khi hãng đang ráo riết tìm kiếm các nhà đầu tư mới. EasyJet, hãng hàng không giá rẻ thứ hai của châu Âu, có trụ sở tại Anh, cũng thông báo hủy vài trăm chuyến bay cho chiến dịch mùa Hè của mình. Giám đốc điều hành của hãng, một cựu lãnh đạo của Ryanair, phải từ chức... Dưới đây là những nguyên nhân của sự hỗn loạn.

Bối cảnh mới

Tình hình hiện nay trong lĩnh vực hàng không là kết quả của sự kết hợp chưa từng có của một số yếu tố thường ảnh hưởng đến hệ thống. Thứ nhất, tình hình tài chính yếu kém sau hai năm đại dịch, hạn chế du lịch, sự khó chịu của người dân đối với các mức độ kiểm soát dịch bệnh và sức khỏe...

[Nhiều nghiệp đoàn hàng không châu Âu kêu gọi tiến hành đình công]

Để đối phó với những hạn chế nghiêm trọng về đi lại trong thời kỳ đại dịch, nhiều hãng hàng không đã giảm một phần nhân sự, chẳng hạn như Brussels Airlines giảm 1.000 nhân viên trong tổng số 4.000 nhân viên. Đối với các hãng hàng không thận trọng, hiện nay không thể thể cung cấp các chuyến bay “có lãi” nữa.

Vì quá thận trọng nên trên thực tế, họ đã không dám đặt cược vào một mùa Hè "như trước đây" và do đó đã không triển khai hết năng lực "trước đây" và cũng không tuyển dụng thêm được nhân viên. Các sân bay và các công ty dịch vụ mặt đất đã tự điều chỉnh hoạt động phù hợp với những gì các hãng hàng không đã lên kế hoạch. Ngoại trừ nhu cầu đã bùng nổ và đã quá muộn để tuyển dụng nhân viên, đào tạo và để họ được chấp thuận làm việc trên đường băng trong các nhà ga sân bay, điều này cần phải có ý kiến từ Nhà nước.

Ngoài ra, việc kinh doanh đang phát triển, nhưng trong bối cảnh chiến tranh chưa từng có ở biên giới châu Âu và giá nhiên liệu tăng vọt. Giá dầu thô liên tục tăng cao và gần như quay trở lại mức lịch sử của năm 2008, nhưng tại các cây xăng, giá xăng và dầu đều cao hơn nhiều. Sau hai năm thâm hụt, không phải tất cả các công ty đều “được bảo hiểm” giá nhiên liệu tăng.

"Bóng ma" COVID-19

Dịch COVID-19 chưa hoàn toàn biến mất, nhiều chuyên gia cảnh báo sự bùng phát trở lại các ca mắc có thể diễn ra ngay sau kỳ nghỉ Hè cùng với sự xuất hiện của các bệnh mùa Thu và mùa Đông.

Do đó, các hãng hàng không vẫn thận trọng. Đối với họ, trước hết cần phải nghĩ đến các thời kỳ ngắn và trung hạn. Không cần thuê 1.000 người vào mùa Hè này nếu họ phải sa thải 700 người ngay từ tháng 10 tới. Đặc biệt, lợi nhuận là tiêu chí chính để tổ chức các chuyến bay mùa Hè.

Máy bay càng đầy khách càng có lợi, đây là quy tắc cơ bản. Khi Brussels Airlines thông báo hủy 675 chuyến bay vào tháng Bảy và tháng Tám, động thải này chủ yếu tập trung vào việc loại bỏ các chuyến bay mà hãng khai thác mỗi ngày và tập trung củng cố lợi nhuận của những chuyến bay được duy trì.

Điểm yếu xã hội

Nếu như trước đây làm việc trong hãng hàng không là niềm mơ ước của nhiều người, hiện nay, ngành này đang bị thờ ơ.

Trong số 500 người làm việc tại hai cơ sở của Ryanair ở Bỉ, hãng chỉ có thể đếm số nhân viên người Bỉ trên đầu ngón tay. Trong khi đó, các ngành nghề khác trong lĩnh vực hàng không (nhân viên vận chuyển hành lý, cơ khí, công nhân đường băng...), cũng phải chịu sự cạnh tranh rất gay gắt và mức lương thấp hơn, đồng thời rất khó tuyển dụng. Điều này có nghĩa là điểm yếu xã hội có xu hướng ảnh hưởng đến toàn bộ ngành. Như trong tất cả các hệ thống, trong trường hợp xảy ra khủng hoảng, những điểm yếu này nổi lên và tạo ra căng thẳng.

Vì vậy, những căng thẳng khác nhau đã tập trung vào mùa Hè, thời kỳ cao điểm về đi lại bằng máy bay và theo truyền thống, là thời kỳ của những yêu sách và thương lượng giữa ban quản lý và các công đoàn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục