Hàng loạt chuỗi bán lẻ di động 'lao đao' vì giãn cách xã hội

Theo đại diện các chuỗi cửa hàng bán lẻ di động tại Việt Nam, việc giãn cách xã hội tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã tác động không nhỏ với tình hình kinh doanh.
Hàng loạt chuỗi bán lẻ di động 'lao đao' vì giãn cách xã hội ảnh 1Các cửa hàng bán lẻ di động tại hai thành phố lớn của Việt Nam đều gặp khó khăn vì phải đóng cửa trong thời gian dài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh phải giãn cách xã hội từ cuối tháng 5, Hà Nội bắt đầu giãn cách xã hội từ cuối tháng 7.

Điều này đã gây thiệt hại to lớn đến ngành bán lẻ, trong đó có hệ thống phân phối thiết bị di động. 

"Ngấm đòn" vì đại dịch COVID-19 

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng 4/2021 đến nay, hầu hết cửa hàng di động ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều ghi nhận doanh số giảm mạnh.

Tại hệ thống cửa hàng CellPhoneS, kể từ khi hai thành phố siết chặt giãn cách, doanh số của đơn vị này cực kỳ thấp. Đại diện CellPhoneS cho biết hiện tại doanh số tháng 6/2021 đã giảm 50% so với thời điểm trước dịch, tháng 7/2021 giảm thêm 80%.

Đại diện ShopDunk cũng chia sẻ các cửa hàng kinh doanh điện thoại và sản phẩm công nghệ giai đoạn này đều gặp khó. Hiện tại doanh số đã sụt giảm đến 50% vì toàn bộ 11 cửa hàng tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều phải chuyển sang kinh doanh online.

Tuy nhiên, mặc dù chuyển sang bán hàng trực tuyến nhưng doanh số của các chuỗi cửa hàng không khả quan vì việc giao hàng gặp nhiều khó khăn, ùn ứ vì đơn vị vận chuyển không thể giao đến một số vùng giãn cách xã hội.

"Hiện có một lượng rất lớn đơn hàng đã được giao cho nhà vận chuyển nhiều tuần nhưng vẫn đang nằm lưu kho do không thể giao được cho khách hàng. Hầu hết các tỉnh thành khu vực miền Nam đều thực hiện giãn cách nên việc giao hàng cho khách hàng gặp khó," anh Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS cho hay.

"Nếu tiếp tục giãn cách thì sẽ rất khó khăn cho các đơn vị bán lẻ vì thực tế trong tháng 8 doanh số bị sụt giảm không phải bởi không có người mua mà vì không giao được hàng. Ví dụ J&T đã huỷ hàng trăm đơn của ShopDunk tại Thành phố Hồ Chí Minh vì không đến nhận được hàng tại đối tác," anh Tuấn Anh - Đại diện ShopDunk chia sẻ.

Hàng loạt chuỗi bán lẻ di động 'lao đao' vì giãn cách xã hội ảnh 2Chuỗi cửa hàng của FPT Shop tạm thời đóng cửa vì giãn cách xã hội. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Còn theo đại diện FPT Shop, mặc dù smartphone có nhu cầu thấp hơn và doanh số giảm nhẹ 10% so với tháng trước nhưng laptop và tablet đều tăng trưởng 50% do nhu cầu cao từ nhu cầu làm việc tại nhà dài hạn, học sinh sinh viên cũng bắt đầu học trực tuyến.

Các hệ thống bán lẻ di động này cho hay nếu còn tiếp tục giãn cách trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc duy trì doanh nghiệp do áp lực rất lớn đến từ các loại chi phí mặt bằng, chi phí tài chính, tiền hỗ trợ cho nhân viên bị nhiễm bệnh, chi phí xét nghiệm, trang thiết bị chống dịch,...

Thậm chí, có chuỗi bán lẻ đã tính đến nước phải đóng một số cửa hàng.

Tìm cách để "sống sót" trong tâm dịch 

Để tự cứu mình, các hệ thống bán lẻ đã nhanh chóng đưa ra hàng loạt giải pháp để "giữ chân khách hàng" thời điểm này, trong đó đặc biệt là đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến cùng với các khuyến mại, dịch vụ giá trị gia tăng chăm sóc khách hàng.

Trong tháng 8, ShopDunk đã triển khai thêm kênh thương mại điện tử, liên kết với các sàn Shopee Mall, Lazada, Tiki để mở gian hàng Apple Authorized Reseller tuy nhiên doanh số không đạt kỳ vọng, 30%, số máy được giao vì không có đơn vị vận chuyển. 

[Các cửa hàng điện thoại di động ‘tung chiêu’ hút khách mùa dịch]

Hiện tại, ShopDunk đáp ứng theo đúng chỉ thị tại các khu vực có dịch. Đại diện ShopDunk ch biết đã tiêm phòng vaccine cho nhân viên tại khu vực có nguy cơ cao, cắt giảm nhân sự bằng việc tạm thời nghỉ không lương. Toàn bộ khối lãnh đạo, quản lý đều giảm 30-70% thu nhập để duy trì hoạt động.

Về hoạt động kinh doanh, ShopDunk tập trung mạnh vào các dịch vụ online như giao hàng miễn phí, giao ngay trong ngày, cài đặt tận nơi và các chương trình online, tăng cường ưu đãi giữ chân khách hàng như tặng voucher từ 200-500 ngàn đồng. Khách hàng có thể được tư vấn mua hàng, kỹ thuật trực tuyến 100%. Đây là biện pháp để cửa hàng giữ chân khách hàng mùa dịch.

Hàng loạt chuỗi bán lẻ di động 'lao đao' vì giãn cách xã hội ảnh 3Ảnh minh hoạ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Nguyễn Thế Kha, Giám đốc Khối Viễn thông di động FPT Retail cho biết công ty đã chuẩn bị sẵn các kịch bản để ứng biến, tận dụng lợi thế nhu cầu tăng về máy tính để bù cho nhu cầu giảm nhẹ từ điện thoại. 

Quý III/2021 cũng là thời điểm cao điểm nhất của laptop do là mùa tựu trường, FPT Shop sớm chuẩn bị về lượng hàng dự trữ, xây dựng chương trình khuyến mại đặc quyền cho học sinh, sinh viên để sẵn sàng cho mục tiêu tăng trưởng doanh thu. Cùng lúc, đơn vị này cũng triển khai nhiều chương trình khuyến mại như giảm 15%, trả góp 0% lãi suất, tặng quà... để thu hút khách hàng.

"Thị trường trong thời gian nửa cuối năm sẽ rất khó đoán định, do đó chúng tôi chuẩn bị sẵn việc kinh doanh theo nhiều kịch bản để chủ động ứng phó thay vì chờ đợi," đại diện FPT Shop cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục