Cơ cấu lại thị trường khách du lịch theo hướng bền vững nhằm vào thị trường chất lượng cao, lưu trú dài ngày, chi tiêu cao; tạo liên kết vùng, đa dạng hóa sản phẩm; thêm những sản phẩm mới ứng dụng công nghệ thông tin nhằm gia tăng trải nghiệm cho du khách; đặc biệt chuyển đổi số, nghiên cứu thị trường, cơ sở dữ liệu và xúc tiến, quảng bá du lịch… là những vấn đề nổi bật mà hàng trăm doanh nghiệp đã tập trung bàn thảo trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020.
Với chủ đề “Liên kết, hành động và phát triển,” hội nghị vừa diễn ra ngày hôm nay (28/11), tại Hội An, Quảng Nam.
Chuyển đổi số: Xoay trục sản phẩm và bứt phá
Các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên cả nước đều nhận thấy thực tế rằng trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nền tảng quản lý và kinh doanh truyền thống không đủ khả năng thích ứng. Do đó, việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra cơ hội giúp doanh nghiệp xoay trục sản phẩm, hấp dẫn du khách, sớm phục hồi và bứt phá.
[Những sản phẩm tour mới độc đáo chạm đến tận cùng cảm xúc du khách]
Phó Chủ tịch Tập đoàn VinGroup, ông Lê Khắc Hiệp cho biết nằm trong chiến lược phát triển của tập đoàn, hệ thống Vinpearl đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ tháng 8/2018.
“Trong hơn 2 năm qua, chúng tôi đặc biệt đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện cả về kinh doan-vận hành-trải nghiệm khách hàng. Đối với hệ thống vận lưu trú khách sạn, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí có quy mô lớn như Vinpearl, kết quả phân tích các dữ liệu đầu vào trong quá trình chuyển đổi số đã bước đầu cho thấy tín hiệu hết sức khả quan,” ông Lê Khắc Hiệp chia sẻ.
Với việc chuyển đổi toàn diện, tập đoàn này đã bước đầu đạt được kết quả trên nhiều phương diện. Theo lãnh đạo tập đoàn, đầu tiên là trong chuyển đổi mô hình kinh doanh: Vinpearl đã đẩy mạnh bán hàng trên kênh trực tuyến và đạt mức tăng trưởng 300% trong năm 2020, dự kiến tiếp tục duy trì mức tăng 300% trong năm 2021; nâng tầm trải nghiệm cho khách hàng bằng ứng dụng đặt phòng dành riêng cho những khách hàng đặc thù...
Với thế mạnh từ hệ sinh thái công nghệ của tập đoàn, Vinpearl đã chuyển đổi số trong quản lý nhân sự, áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào quy trình quản lý để giảm chi phí vận hành tối đa, tối ưu hóa năng suất.
[Hội nghị toàn quốc về Du lịch: Thống nhất để cùng hành động]
Theo ông Hiệp, hiện tại 100% các báo cáo tài chính, vận hành của tập đàn đều tự động hóa trên hệ thống phần mềm, đáp ứng thông tin hoạt động tại thời điểm thực (real-time), nhờ đó năng lực phân tích được nâng cao.
Nhờ chuyển đổi số, nhân viên tập đoàn này có thể chủ động xử lý thủ tục nhân sự, đào tạo và thông tin nội bộ trên ứng dụng số, đáp ứng các yêu cầu về đào tạo, truyền thông nội bộ và quản lý công việc cá nhân cho hơn 16.000 cán bộ nhân viên.
“Các phần mềm quản lý tập trung chạy trên cùng một nền tảng và 70% hạ tầng ứng dụng được quản lý trên nền tảng dữ liệu trực tuyến. Việc này giúp chúng tôi dễ dàng kiểm soát và quản lý dữ liệu, đạt hiệu quả cao trong quản trị và vận hành các mô hình kinh doanh,” lãnh đạo tập đoàn Vingroup nhấn mạnh.
Bên cạnh việc tăng cường chuyển đổi số phục vụ kinh doanh và hoạt động, Vinpearl còn hướng đến mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa dịch vụ để tiên phong kiến tạo những trải nghiệm đặc biệt cho khách hàng.
Tháng Sáu vừa qua, công viên chủ đề đầu tiên trên thế giới trên nền tảng thực tế ảo cho VinWonders Phú Quốc đã chính thức khai trương. Với mô hình này, du khách đã có thể trải nghiệm trước không gian hoành tráng của điểm đến thông qua không gian trải nghiệm mô phỏng online, với mức độ tương đồng đến 90%. Đặc biệt, hoạt động cho du khách trên không gian đa chiều kết hợp các trò chơi tương tác trực tuyến đã thu hút hàng triệu lượt khách không giới hạn biên giới, lãnh thổ…
“Trong năm 2021, định hướng chuyển đổi số của Vinpearl là tiếp tục tập trung tăng cường tương tác và trải nghiệm cho khách hàng, hoàn thiện các nền tảng số để tăng trải nghiệm trực tuyến cho du khách. Đặc biệt, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc ứng dụng AI, Big Data để đo lường thị hiếu, nhu cầu của du khách, qua đó đón đầu xu hướng và nâng cao chất lượng dịch vụ, hình ảnh của thương hiệu nói riêng và của du lịch Việt Nam nói chung,” ông Lê Khắc Hiệp cho hay.
Làm mới sản phẩm để tăng hiệu quả kích cầu
Trong bối cảnh khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát ở Việt Nam, trước tâm lý du khách biến động bất thường, Tổng Giám đốc tập đoàn Sungroup, ông Dương Phú Nam cho rằng cần tập trung vào phát triển những sản phẩm du lịch mới, đáp ứng xu thế mới để tăng hiệu quả kích cầu.
Đại dịch COVID-19 đã tạo nên sự dịch chuyển về xu hướng du lịch, dẫn đến các sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái… trở thành xu hướng được ưa chuộng.
Theo ông Nam, trong bối cảnh “bình thường mới” cần gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu bằng mô hình “kinh tế đêm.” Trước mắt nên thực hiện ở một số địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Phú Quốc; thiết lập các khu mua sắm tập trung, đảm bảo chất lượng, gia tăng các dịch vụ giải trí, show nghệ thuật, các loại hình ẩm thực đêm…
Thời điểm này, các doanh nghiệp và địa phương trên cả nước đều nhận thức được việc cần làm là tất cả phải tăng cường các khối liên minh phát triển du lịch của doanh nghiệp-địa phương-chính phủ, nhằm phát huy lợi thế của mỗi doanh nghiệp, mỗi điểm đến và mỗi địa phương.
Khối liên minh này sẽ tạo sức mạnh, từ đó tạo nên những chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn cả về chất lượng và mức giá, thu hút du khách đi du lịch và chi tiêu. Tuy nhiên, để thực thi, khối liên minh cần cơ chế trao quyền dẫn dắt cho dịa phương hoặc doanh nghiệp thực hiện các chiến dịch liên kết.
Để phục hồi thị trường nội địa các nhà đầu tư lớn cho rằng cần tiếp tục hiệu triệu “Yêu Việt Nam-Du lịch Việt Nam;” Chính phủ hỗ trợ các hãng hàng không “Mở cửa bầu trời nội địa.” Bởi hai yếu tố quan trọng nhất cho một chuyến đi là “Nghỉ ở đâu và đi bằng phương tiện gì?” tức là khách sạn và hàng không đóng vai trò chính yếu thúc đẩy du khách “xách balô lên và đi.”
“Năm 2021, khi chúng ta vẫn chưa thể trả lời câu hỏi: ‘Bao giở mở cửa bầu trời quốc tế,’ thì thị trường nội địa vẫn là trọng tâm. Do đó, các chuyến bay nội địa cần được đẩy mạnh để kích cầu,” lãnh đạo tập đoàn Sungroup nói.
Song, khó khăn của các hãng hàng không thời điểm này là thực tế ai cũng thấy, cũng hiểu. Do đó, nếu Chính phủ có chính sách trợ giá cho các hãng hàng không thì thị trường sẽ được hồi phục nhanh chóng hơn.
“Tôi xin lấy ví dụ từ thành công của Thái Lan. Khi Chính phủ chi ngân sách trợ giá vé máy bay để làm giá tour hấp dẫn hơn, Thái Lan đã đón 39,8 triệu lượt khách năm 2019, xếp thứ 8 thế giới và số 2 châu Á về lượng khách. Ngành du lịch thu được nhiều hơn từ chi tiêu cho khách sạn, lưu trú, ăn uống, mua sắm, tiêu dùng, và thuế. Ước tính, việc ‘mở cửa bầu trời nội địa’ cũng sẽ giúp chúng ta khai thác được khoảng 10 triệu người Việt Nam thường xuyên đi du lịch nước ngoài hàng năm,” ông Dương Phú Nam chia sẻ.
Cần thêm nhiều chính sách hỗ trợ để vực dậy du lịch
Trước những khó khăn ngổn ngang của không chỉ ngành du lịch mà các doanh nghiệp cũng đang phải gồng mình gượng dậy sau những “cú đòn” chí mạng của đại dịch COVID-19, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Vietravel, ông Nguyễn Quốc Kỳ đề xuất định hình lại chính sách hỗ trợ và tái cơ cấu ngành hậu dịch bệnh.
“Cần gia hạn thêm thời gian nộp thuế kéo dài 12 tháng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp; gia hạn kéo dài 12 tháng đối với thuế thu nhập cá nhân dành cho người lao động làm việc trong ngành du lịch; gia hạn đến 12 tháng đối với tiền thuê đất của các doanh nghiệp lữ hành. Bởi như hiện tại nếu chỉ gia hạn 5 tháng thì doanh nghiệp không đủ thời gian tái tạo và hồi phục,” người đứng đầu Vietravel chia sẻ.
Đối với các điểm đến tham quan, du lịch do nhà nước quản lý, theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, tại các khu vực trọng điểm như Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc... địa phương cần có chính sách miễn hoặc giảm phí, lệ phí tham quan cho các doanh nghiệp lữ hành đưa khách đến kích cầu du lịch trong giai đoạn phục hồi.
Các doanh nghiệp lữ hành cũng cho rằng Tổng Cục Du lịch cần nghiên cứu triển khai các gói kích cầu cho người dân đi du lịch trong nước như kinh nghiệm các nước Thái Lan, Singapore, hỗ trợ kinh phí nhất định cho người dân và các khoản hỗ trợ này các doanh nghiệp lữ hành sẽ được nhận trực tiếp dựa trên lượng khách đi mỗi tháng, sau đó doanh nghiệp sẽ triển khai lại cho khách hàng.
Không chỉ cần những chính sách để “cứu” du lịch vượt “bão COVID,” các doanh nghiệp cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc cần thiết phải đổi mới nhận thức, tư duy về định hướng phát triển du lịch. Bởi, du lịch chính là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp có khả năng đóng góp lớn vào phát triển kinh tế, tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo động lực cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển, đem lại hiệu quả nhiều mặt về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, đối ngoại và an ninh, quốc phòng./.