Hậu Giang đầu tư 16.000 tỷ đồng cho hệ thống thủy lợi

Tỉnh Hậu Giang vừa phê duyệt dự án Quy hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi đến năm 2020 với tổng kinh phí khoảng 15.960 tỷ đồng.

Tỉnh Hậu Giang vừa phê duyệt dự án Quy hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với tổng kinh phí khoảng 15.960 tỷ đồng.

Dự án nhằm chủ động tưới tiêu, kiểm soát lũ, xâm nhập mặn, tiêu phèn, tiêu úng, cung cấp nước ngọt phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, đặc biệt, hạn chế được thiệt hại trước tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

Tỉnh sẽ đầu tư các công trình nội đồng như kênh, bờ bao, trạm bơm; kiểm soát lũ bằng các ô bao theo kênh cấp I, cấp II, quy mô ô bao dưới 500ha. Cùng với đó, tỉnh xây dựng các cống, bọng tại các đầu kênh cấp III; nạo vét hệ thống kênh trục cấp I, cấp II để chủ động điều tiết nước tưới tiêu. Tỉnh cũng xây dựng hệ thống trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu...

Ngoài ra, đến năm 2020, tỉnh sẽ xây dựng hoàn thiện các công trình phục vụ tưới tiêu cho 60.000ha sản xuất lúa 3 vụ/năm; chống úng 15.000ha mía; 10.000ha cây ăn trái...

Tổng kinh phí thực hiện dự án khoảng 15.960 tỷ đồng, được phân bổ thành 4 giai đoạn đầu tư: giai đoạn 2013-2015 khoảng 774 tỷ đồng, giai đoạn 2016-2020 khoảng 3.000 tỷ đồng, giai đoạn 2021-2025 khoảng 5.100 tỷ đồng, sau năm 2025 khoảng 7.086 tỷ đồng. Trong số này, nguồn vốn Trung ương hỗ trợ khoảng 9.958 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.509 tỷ đồng, và vốn dân đóng góp 3.493 tỷ đồng.

Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, từ khi thành lập tỉnh (năm 2004) đến nay, thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nhiều công trình thủy lợi phục vụ sản xuất được địa phương đầu tư kịp thời. Về cơ bản, hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng của tỉnh đã đáp ứng được nhu cầu tưới tiêu phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, do không được đầu tư vạo vét, khai thông thường xuyên, phần lớn các tuyến kênh, hệ thống thủy nông nội đồng bị bồi lắng, sạt lở làm cản dòng chảy, chậm tiêu thoát nước vào mùa lũ dẫn đến gây ngập úng nghiêm trọng; ngược lại một số vùng thiếu nước tưới tiêu vào mùa khô.

Ông Nguyễn Thành Nhơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang cho rằng việc sớm thông qua dự án quy hoạch thủy lợi nhằm góp phần khai thác, sử dụng hiệu quả, bảo vệ và phát triển nguồn nước; kết hợp hài hòa giữa giải pháp công trình và phi công trình; hạn chế các tác hại do nước gây ra, nhất là lũ lụt, xâm nhập mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng cao; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục