Hỗ trợ hàng vạn công nhân lao động trong tâm dịch vượt qua khó khăn

Nhiều cán bộ công đoàn trong tâm dịch tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã không quản ngại khó khăn, ngày đêm bám cơ sở, khu nhà trọ để kịp thời hỗ trợ thực phẩm, trấn an công nhân lao động
Mỗi công nhân sẽ được nhận miễn phí 5 món nhu yếu phẩm trong “Siêu thị 0 đồng”. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Mỗi công nhân sẽ được nhận miễn phí 5 món nhu yếu phẩm trong “Siêu thị 0 đồng”. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, hiện nay đã có trên 1.000 công nhân lao động tại hai địa bàn này đã nhiễm virus SARS-CoV-2.

Chỉ tính riêng tại Bắc Giang, chiều nay (25/5) đã ghi nhận thêm 300 ca. Diễn biến dịch ngày càng phức tạp khiến cho hàng trăm nghìn lao động đang nghỉ việc, cách ly tại khu trọ đang phải đối mặt với không ít khó khăn.

“Siêu thị 0 đồng” đến với công nhân

Tính đến chiều nay 25/5, tại tỉnh Bắc Giang, số công nhân lao động mắc COVID-19 (F0) đã lên tới hơn 1.000 người, F1 có 11.265 người, F2 là 36.026 người, cách ly là 83.899 người. Đến nay, tất cả doanh nghiệp tại Bắc Giang đều bị ảnh hưởng dịch COVID-19, có hơn 196.300 công nhân lao động đã phải nghỉ việc.

Trong bối cảnh đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức “Siêu thị 0 đồng” để đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động đang bị cách ly.

Ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, từ ngày 20/5, 10 “Siêu thị 0 đồng” hỗ trợ công nhân đã được khẩn trương thành lập, trong đó huyện Việt Yên 7 điểm, huyện Yên Dũng 3 điểm. Phiếu tiếp nhận lương thực, thức ăn hàng ngày đã được phát đến các nhà trọ. Hàng chục tấn gạo, thực phẩm, rau xanh và các nhu yếu phẩm khác từ các đoàn thể, nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã được cung ứng vào “siêu thị.”

Tuỳ theo nhu cầu, công nhân sẽ được nhận miễn phí 5 món nhu yếu phẩm trong “Siêu thị 0 đồng.”  Nhu yếu phẩm được  nhận tại “Siêu thị 0 đồng” có thể đủ cho công nhân lao động dùng trong vòng 7 ngày, giúp họ thoát cảnh thiếu, đói.

Theo ông Phạm Văn Thịnh, việc cung cấp cho nguồn hàng các điểm phát cho công nhân, người lao động được bố trí, cung cấp hàng ngày theo phân bổ điều tiết của các huyện.

Việc hỗ trợ cấp phát lương thực, thức ăn hàng ngày được thực hiện thông qua hai hình thức: Cấp phát đến tận khu nhà trọ, xóm trọ có đại diện tiếp nhận 1 ngày/1 lần có nơi 1 ngày/2 lần hoặc thành lập các điểm phát tại vị trí phù hợp (điểm chợ, đình làng, nhà văn hóa, trường học…) và thông báo đến chủ các nhà trọ đến tiếp nhận lương thực, thức ăn hàng ngày.

[Chủ động, sáng tạo trong phòng, chống dịch tại các khu công nghiệp]

Đối với những người lao động không thể tự nấu ăn, chủ nhà trọ nấu ăn chung cho cả khu nhà hoặc một số điểm xa thì được nấu ăn và cấp phát các suất trực tiếp đến công nhân, người lao động.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch Thường trực Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang cho biết từ khi dịch bùng phát đến nay liên đoàn lao động tỉnh đã tổ chức đi thăm, động viên cán bộ y tế, các cơ sở y tế tuyến đầu điều trị, tham gia phòng chống dịch; thăm, động viên cán bộ, nhân viên tại 24 điểm là các chốt kiểm soát dịch bệnh và các khu cách ly tập trung ở các địa phương.

Hỗ trợ hàng vạn công nhân lao động trong tâm dịch vượt qua khó khăn ảnh 1Cán bộ công đoàn tỉnh Bắc Giang hướng dẫn công nhân lao động nhận đồ đúng tiêu chuẩn trong 'Siêu thị 0 đồng.' (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Giang đã trao tặng các nhu yếu phẩm khẩu trang, nước uống, mỳ tôm, sữa, bánh ngọt, thẻ điện thoại... trị giá trên 600 triệu đồng. Ngoài ra, đơn vị này đã trao 60 tấn gạo cho công nhân lao động đang ở các khu nhà trọ tại huyện Việt Yên, Yên Dũng, tổng trị giá hơn 1 tỷ đồng; hỗ trợ đợt 1 cho mỗi trường hợp F0 là 2 triệu đồng/người; F1 là 500.000 đồng/người.

Cán bộ công đoàn ngày đêm bám cơ sở

Tại Bắc Ninh, tính đến 24/5, cả tỉnh có hơn 44.400 đoàn viên công nhân lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19, trong đó F0 là 41 người, F1 là 1.446 người, F2 là 6.375 người. Đáng chú ý có 35.426 công nhân lao động nhập cư thuê ở trọ kẹt lại tại các khu dân cư phải cách ly y tế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh, khó khăn nhất hiện nay là số lượng công nhân lao động cần hỗ trợ rất đông, lại tập trung nhiều nhất ở huyện Quế Võ với gần 30.000 người. Từ ngày 12-22/5, Liên đoàn lao động tỉnh Bắc Ninh đã trao hỗ trợ cho đoàn viên, công nhân lao động ảnh hưởng dịch tổng trị giá 810 triệu đồng…

“Nguồn lực huy động được chưa nhiều, số lượng cán bộ công đoàn chuyên trách cấp huyện rất ít, lại thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh thực hiện cách ly y tế nên các cấp công đoàn rất cần sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức đoàn thể cấp xã, thôn để có thể hỗ trợ công nhân nhanh nhất,” bà Nguyễn Thị Vân Hà cho hay.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đánh giá cao các cấp công đoàn của 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang đã nỗ lực và có nhiều sáng tạo trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch đồng thời chăm lo tới công nhân lao động bị tác động, ảnh hưởng bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4.

“Nhiều cán bộ công đoàn hai tỉnh đã không quản ngại khó khăn, đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh cao, ngày đêm bám cơ sở, khu nhà trọ để kịp thời hỗ trợ thực phẩm cũng như tuyên truyền, trấn an công nhân, lao động… Qua đó, giúp công nhân, lao động không bị thiếu đói trong khu cách ly, yên tâm phòng chống dịch COVID-19,” ông Ngọ Duy Hiểu chia sẻ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục