Trên thông, dưới vẫn “tắc”

Hỗ trợ lao động huyện nghèo: Trên thông, dưới “tắc”

Đề án xuất khẩu lao động tại 62 huyện nghèo cho tới nay đang gặp phải những khó khăn từ chính người dân do mất niềm tin.
Đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” (Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ)  cho tới thời điểm giữa tháng 9 này, số lao động huyện nghèo xuất ngoại của 4 doanh nghiệp tham gia chỉ dừng ở mức khiêm tốn là 180 người.

Mặc dù, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước đã được mở rộng “hết cỡ” khi miễn phí hoàn toàn về các khâu đào tạo, học nghề, chu cấp cả nơi ăn chốn ở. Nhưng khi tiếp xúc với lao động thì vẫn còn rất nhiều những ngần ngại…

Trên “thông”… từ A tới Z

Thông tư liên tịch số 31 hướng dẫn thực hiện một số nội dung về đề án “Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020” cho phép lao động huyện nghèo không phải mất một khoản phí nào, ngoài ra còn có thêm nhiều ưu đãi.

Theo quy định nói trên, lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số được hỗ trợ 100% phí học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức theo mức học phí được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định.

Người lao động cũng được hỗ trợ thêm tiền ăn, sinh hoạt phí trong thời gian học với mức 40.000 đồng/người/ngày, tiền ở 200.000 đồng/người/tháng. Ngoài ra còn có tiền trang cấp đồ dùng cá nhân, tiền tàu xe và được hỗ trợ chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo các mức quy định hiện hành.

Riêng với người lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số tốt nghiệp từ bậc tiểu học trở lên nhưng trình độ văn hoá chưa đáp ứng yêu cầu sẽ được bổ túc thêm văn hóa với thời gian học tối đa không quá 12 tháng. Học phí, tài liệu học tập, sách giáo khoa, vở viết, dụng cụ học tập được hỗ trợ toàn bộ.

Cũng theo Thông tư, lao động các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động có thời gian làm việc thực tế dưới 12 tháng phải về nước vì một trong các lý do như: sức khỏe không phù hợp với yêu cầu công việc; chủ sử dụng gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên lao động bị mất việc làm; chủ sử dụng đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động thì lao động sẽ được hỗ trợ 1 lượt vé máy bay hạng ghế thường từ nước đến làm việc về Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Trưởng phòng Thông tin tuyên truyền của Cục Quản lý lao động ngoài nước thì Thông tư này sẽ xóa bỏ mọi băn khoăn của lao động về quyền lợi trước mắt.

Nhưng trên thực tế, việc các doanh nghiệp triển khai ở các huyện nghèo thì lại là câu chuyện khác.

Dưới còn chưa tỏ


Tân Sơn là huyện mới tách ra từ huyện Thanh Sơn của tỉnh Phú Thọ. Cư dân huyện Tân Sơn chủ yếu thuộc dân tộc Mường và Dao. Đây cũng là huyện thuộc đối tượng của quyết định 71.

Chị Đinh Thị Liễu, xóm Chiềng, xã Thạch Kiệt, huyện Tân Sơn, Phú Thọ, ngồi trong căn nhà cũ rách tơi tả ngậm ngùi kể về lần xuất ngoại của mình trong nước mắt. Một năm trước, chị đã được “lên máy bay” sang Malaysia làm công nhân. Nhưng, kiếm tiền chưa được là bao, chị đã phải về nước trước thời hạn.

Tất cả gia tài trong nhà đều ra đi theo các khoản nợ to, nợ bé trong chuyến xuất ngoại này. Bởi vậy khi nghe chúng tôi nói về đề án "Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững  giai đoạn 2009-2020" thì chị mừng không cầm được nước mắt.

Nhưng chỉ vài phút đắn đo, chị lại tần ngần nghĩ ngợi. Người phụ nữ đã quá 30, khuôn mặt đen sạm dường như đang toan tính tới những gì xa hơn…

Tất cả là do, những ngày gần đây chương trình 71 huyện cũng đã có 3 doanh nghiệp về tuyển dụng  là Công ty Cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài (LOD), Công ty Cổ phần Nhân lực và thương mại Vinaconex, Công ty Cổ phần Tiến bộ quốc tế (A.I.C). Tuy nhiên chỉ có LOD là vẫn còn kiên trì cho đến phút chót với 27 lao động tham gia.

Theo chị Liễu, sở dĩ nhiều người còn ngần ngại vì sợ đi rồi về không trả được nợ. Khoản nợ mà gia đình chị Liễu hiện nay đã lên tới gần 60 triệu. Chị thẳng thắn nói: “Nếu giờ tôi lại quyết tâm đi thì chắc phải đặt cả nhà cho lần xuất ngoại”.

Chị Hoàng Thị Khánh thôn Cường Thịnh II - Thạch Kiện khi nghe phóng viên giải thích về “cái 71” nó như thế nào thì hồ hởi: “ Không được phổ biến thì chúng tôi không thể biết được”.

“Thấy doanh nghiệp về xã rậm rịch hội thảo tuyển người thì cũng chỉ nghĩ như những lần khác: Nghèo mà đi xuất khẩu có nghĩa là 'cõng nợ', giống như trò cờ bạc “được ăn cả ngã về không” nên chúng tôi không dám nghĩ đến. Nay được nhà nước hỗ trợ như vậy thì cũng phải suy nghĩ lại”, chị Khánh khẳng định.

Giải thích về việc người dân vẫn chưa “thấu” chính sách, ông Nguyễn Xuân Hải, Trưởng phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tân Sơn, cho biết: “100 trường hợp đi thì có 50% kinh tế khá lên, khoảng 30% chỉ đủ trả nợ, 20% gặp rủi ro. Nhưng các phương tiện thông tin đại chúng thường chỉ phản ánh được 20% rủi ro đó, khiến cho 'tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa' gây khó khăn cho cán bộ cơ sở khi tuyên truyền chính sách mới”.

Một viễn cảnh tươi sáng hơn đang được hiện thực hóa với người lao động thuộc diện 61 huyện nghèo. Họ, những đồng bào người Mường, Dao sẽ lần đầu tiên được biết đến “cái máy bay” như thế nào.

Và quan trọng hơn, có thể với nhiều người trong số họ, Quyết định 71 sẽ là “phao cứu sinh” trong hoàn cảnh xuất khẩu lao động cả nước gặp muôn vàn khó khăn trong năm nay./.

Thông Chí (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục