Sau 3 năm triển khai dự án Hỗ trợ chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội, đã có 409 phụ nữ bán dâm được hỗ trợ; trong đó 82 người được hỗ trợ nghề, 36 chị em được nhận hỗ trợ vay vốn và tài trợ để hoạt động kinh doanh. Mặc dù vậy, vẫn rất khó để xác định bao nhiêu người trong số họ đã từ bỏ hoạt động mại dâm.
Đây là những thông tin được đưa ra tại tại Hội nghị tổng kết Dự án Hỗ trợ chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 26/10 tại Hà Nội.
Nhằm giúp nữ thanh niên bán dâm có cơ hội để tái hòa nhập cộng đồng, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) và tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Dự án “Hỗ trợ xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại thành phố Hà Nội” giai đoạn 2012-2015. Chỉ sau gần 3 năm thực hiện, Dự án đã đem lại những tín hiệu khá tích cực mở ra cơ hội được tái hòa nhập cho những nữ thanh niên bị bóc lột tình dục.
Ông Phùng Quang Thức, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội Hà Nội cho biết, dự án đã tổ chức 8 khóa học nghề, hỗ trợ dạy nghề cho 82 chị em với các nghề: Cắt uốn tóc, thiết kế đồ họa, vẽ móng nghệ thuật, pha chế đồ uống, bán hàng, maketing… Các học viên là người bán dâm hoàn lương đã tham gia học nghề được học miễn phí, mỗi khóa học nghề từ 3-3,5 tháng.
Khi kết thúc khóa học, 100% các chị em được giới thiệu và xin việc làm. Trong đó có 42 chị em tốt nghiệp làm đúng nghề với mức thu nhập từ 3-5 triệu đồng/tháng. Đáng chú ý, tính đến nay, dự án đã hỗ trợ được 40 mô hình của 43 chị em với tổng tiền hỗ trợ là hơn 500 triệu đồng, trong đó hỗ trợ không hoàn lại là hơn 264 triệu đồng, cho vay không lãi suất cũng với số tiền như vậy. Theo báo cáo giám sát từ nhóm cán bộ dự án, đa số các mô hình được hỗ trợ đều đang kinh doanh ổn định, có lợi nhuận từ 4-6 triệu/tháng.
Đánh giá cao việc triển khai dự án, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng đây là mô hình cần được nhân rộng trong thời gian tới khi mà vấn đề tái hòa nhập cho đối tượng này đang gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Các chương trình can thiệp sẽ dựa trên quan điểm tiếp cận mới bảo đảm sự bình đẳng, thúc đẩy việc đảm bảo quyền tiếp cận và sử dụng các dịch vụ an sinh xã hội, tạo cơ hội để người bán dâm thay đổi công việc…
Kể từ năm 2012, quy định mới không áp dụng biện pháp đưa người bán dâm vào cơ sở giáo dục lao động xã hội như trước đây mà đối tượng này chỉ bị phạt tiền nếu bị bắt quả tang hành nghề. Do đó, việc quản lý, hỗ trợ những người bán dâm gặp nhiều khó khăn và cần có những biện pháp tiếp cận mới./.