Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa nhất trí ban hành Nghị quyết cho phép tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 về ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép sử dụng khoảng 1.155 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2021 để tiếp tục chi trả hỗ trợ đối với người lao động thuộc đối tượng hưởng theo Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 đã nộp hồ sơ đúng thời hạn.
Nhìn lại việc triển khai Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 cho thấy, Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cùng các bộ, ngành liên quan đã chủ động, nỗ lực, kịp thời triển khai thực hiện bảo đảm minh bạch, đúng mục đích, nguyên tắc, song, cũng còn những bất cập cần tiếp tục xử lý để đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngày 24/9/2021, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ nguồn kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Đây là một giải pháp kịp thời nhằm tháo gỡ một phần khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động để vượt qua những khó khăn do dịch COVID gây ra.
Các bộ, ngành nhanh chóng vào cuộc
Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến với ngành Bảo hiểm xã hội và các địa phương để triển khai nội dung chính sách, quán triệt ý nghĩa, vai trò của chính sách và tầm quan trọng của việc hỗ trợ kịp thời người lao động và người sử dụng lao động đang gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết số 116/NQ- CP và Quyết định số 28/2021/QĐ-TTg.
Trong quá trình triển khai, thực hiện chính sách, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội bám sát tình hình thực tiễn và kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, phối hợp xử lý các vướng mắc phát sinh trong thực tế.
[12,8 triệu lao động được hưởng hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp]
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường công tác triển khai chính sách, sớm đưa chính sách vào cuộc sống nhằm hỗ trợ kịp thời đối với người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã khẩn trương triển khai việc thực hiện chính sách, hằng tháng tổ chức hội nghị trực tuyến toàn ngành về tình hình thực hiện chính sách, kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn vướng mắc của Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trong quá trình thực hiện.
Trên cơ sở chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai xác định đối tượng, cập nhật dữ liệu chi trả, phối hợp thực hiện giải quyết chính sách hỗ trợ…
Để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người sử dụng lao động và người lao động nhận hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, nhằm hỗ trợ kịp thời, đúng lúc, đúng đối tượng, Bảo hiểm xã hội tỉnh, thành phố đã chủ động liên hệ với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn, phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ mở tài khoản cho người lao động và ban hành các văn bản triển khai, hướng dẫn một cách đồng bộ để phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương.
Đồng thời, kịp thời tiếp nhận và giải quyết những vướng mắc phát sinh để tạo thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp và người lao động.
Nhằm tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc thực hiện chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức 17 Đoàn kiểm tra tại 43 tỉnh, thành phố về việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 theo quy định tại Nghị quyết số 116/NQ-CP.
Minh bạch, đúng đối tượng, đúng mục đích
Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết đối với hỗ trợ người sử dụng lao động, tính đến thời điểm 31/7/2022, đã hoàn thành xong việc xác định số giảm đóng cho 346.806 đơn vị, tương ứng 11,785 triệu lao động với số tiền được điều chỉnh giảm đóng bảo hiểm thất nghiệp (từ tháng 10/2021 đến hết tháng 7/2022) khoảng 7.560 tỷ đồng.
Dự kiến đến hết tháng 9/2022, số tiền giảm đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khoảng 9.104 tỷ đồng.
Đối với hỗ trợ người lao động, cơ quan Bảo hiểm xã hội đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ theo đúng thời hạn quy định, tính đến 31/12/2021 đã chi trả cho gần 13 triệu lao động thuộc đối tượng hỗ trợ, không có sai sót về hồ sơ, với tổng số tiền chi trả là 30.804 tỷ đồng (Nghị quyết 03/2021/UBTVQH15 cho phép sử dụng khoảng 30.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động), trong đó có gần 11,9 triệu lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 28.662 tỷ đồng; 1,069 triệu lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 2.142 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhận định việc ban hành chính sách thời gian qua là kịp thời, bám sát thực tiễn, đúng đối tượng, góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.
Ông cũng khẳng định việc triển khai thực hiện chính sách minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ quy định tại Nghị quyết của Chính phủ và điều kiện quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có trên 99% người lao động nhận tiền hỗ trợ qua tài khoản cá nhân. Dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có nên việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động và người sử dụng lao động đã được thực hiện nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn.
Đến nay, việc xác định số giảm đóng cho các đơn vị sử dụng lao động thuộc đối tượng hỗ trợ và việc giải quyết hỗ trợ cho người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và người lao động đã dừng tham gia bảo hiểm thất nghiệp đề nghị hỗ trợ về cơ bản đã hoàn thành.
Đánh giá của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho thấy Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 có tính khả thi cao và đi rất nhanh vào cuộc sống, không chỉ tác động trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động mà còn hỗ trợ cho nền kinh tế.
Ghi nhận sự nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan, Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm, sự chuẩn bị từ sớm, từ xa của Ủy ban Xã hội giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội có căn cứ để quyết định./.