Hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội

Ông Hoàng Việt Trung cho biết Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn về vốn, về lãi suất.
Hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Thời gian qua, Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội do Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện luôn vượt kế hoạch đề ra. Từ đầu năm đến nay, chương trình đã giải ngân đạt 85.000 tỷ đồng cho gần 4.200 lượt doanh nghiệp, tăng 2,4% so với cuối năm 2015

Chương trình này đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp duy trì, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của Thành phố Hà Nội. Chương trình cũng đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm bớt những khó khăn về vốn, về lãi suất.

Những doanh nghiệp tham gia chương trình dù thuộc ngành nghề nào (có thể không thuộc trong các lĩnh vực ưu tiên) đều được hưởng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên theo quy định tại thời điểm tham gia ký kết, thể hiện sự chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Để hiểu rõ hơn về chương trình này, phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Việt Trung, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội xung quanh vấn đề này.

- Xin ông cho biết các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội đã hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào?

Ông Hoàng Việt Trung: Tính đến tháng Năm, các tổ chức tín dụng đã tập trung triển khai các chương trình tín dụng, gói sản phẩm tín dụng, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng, đẩy mạnh giải ngân đối với các chương trình tín dụng (chương trình cho vay thí điểm phát triển nông nghiệp, nông thôn, Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp...).

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng cũng thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong quan hệ vay vốn, lãi suất, cơ cấu lại nợ, cơ cấu lại kỳ hạn trả nợ, tài trợ hiệu quả nhu cầu vốn lưu động cho các khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số lĩnh vực ưu tiên.

Một số tổ chức tín dụng tập trung phát triển bán lẻ, tăng cường tài trợ đối tượng khách hàng cá nhân theo chuỗi (mua bán nhà ở, cho vay tiêu dùng). Từng tổ chức tín dụng chú trọng rà soát, điều chỉnh cơ cấu dư nợ để đảm bảo phù hợp với các quy định mới về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn.

Ngoài ra, các tổ chức tín dụng cũng tiếp tục sàng lọc, lựa chọn cho vay đối với những khách hàng có tín nhiệm, ngành, lĩnh vực rủi ro thấp.

Tính đến 31/5, tổng dư nợ tín dụng (bao gồm cả cho vay đầu tư) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 1.300.948 tỷ đồng, tăng 5,12% so với 31/12/2015; trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 973.692 tỷ đồng, chiếm 74,84% và tăng 4,58%, dư nợ ngắn hạn tăng 1,59%, dư nợ trung dài hạn tăng 7,04% so với cuối năm 2015.

- Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội hoạt động khá hiệu quá, ông có thể cho biết tình hình giải ngân đến thời điểm này?

Ông Hoàng Việt Trung: Đúng là như vậy, Chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp thời gian qua đã thực hiện rất tốt. Đến nay các tổ chức tín dụng đã đăng ký dành một lượng vốn thấp cho chương trình này đạt 120.000 tỷ đồng và thực tế đã giải ngân đã đạt 85.000 tỷ đồng cho gần 4.200 lượt doanh nghiệp, tăng 2,4% so với cuối năm 2015, với mức lãi suất thấp hơn so với thông thường từ 1,5%-2%/năm góp phần tích cực tham gia chương trình này trên địa bàn thành phố.

- Thưa ông, trong thời gian qua các doanh nghiệp FDI đã được các ngân hàng cam kết tài trợ vốn nhiều, tỷ lệ cho vay lớn, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước ít hơn, sao lại có sự chênh lệch này?

Ông Hoàng Việt Trung: Chúng ta cũng biết nguồn vốn để thúc đẩy sự hoạt động của các doanh nghiệp bằng rất nhiều nguồn khác nhau, trong đó có hình thức đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, các doanh nghiệp FDI hoạt động tốt trên địa bàn đây cũng là tín hiệu đáng mừng và cần phát huy.

Tuy nhiên những doanh nghiệp FDI vào nhiều nhưng lại đóng góp cho ngân sách ít thì cần phải xem lại ở nhiều nguyên nhân thuộc các góc độ khác nhau trong đó có nguyên nhân đóng góp thuế. Cụ thể bằng cách này hay cách khác họ thường chuyển giá và đóng thuế không được như mong muốn của chúng ta thì cần phải có sự điều chỉnh.

Còn việc có thông tin cho rằng các doanh nghiệp trong nước chưa được tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn thì tôi nghĩ không phải như vậy. Vốn của ngân hàng sẽ đầu tư vào những doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, nếu như các doanh nghiệp FDI sử dụng nguồn vốn tốt, sản xuất kinh doanh tốt thì ngân hàng cũng vẫn sẽ tiếp tục đầu tư. Lượng vốn vào doanh nghiệp FDI nhiều hay ít chúng ta cũng không cần phải đặt ra vì khi cho vay các ngân hàng đều phải tính toán, nếu các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả thì đều được bình đẳng như nhau trong việc vay vốn ngân hàng.

- Nếu đóng góp của doanh nghiệp FDI vào ngân sách không lớn thì chúng ta cần phải làm gì để tạo sự bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp đang kinh doanh và hoạt động trên đại bàn Hà Nội?

Ông Hoàng Việt Trung: Nếu như có hiện tượng doanh nghiệp FDI mà được đầu tư lớn nhưng lại đóng cho xã hội và đặc biệt đóng thuế ít cho Nhà nước thì chúng ta phải tìm hiểu trên nhiều nguyên nhân như hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, phương thức hạch toán...

Tôi tin tưởng rằng trong thời gian tới các cơ quan hữu quan sẽ xem xét rõ ràng nhưng trường hợp này và sẽ có những biện pháp xử lý đối với các doanh nghiệp lách luật. Tuy nhiên, về đa số tôi nghĩ rằng các doanh nghiệp FDI đã có những đóng góp tích cực cho nền kinh tế của Việt Nam.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục