Hòa Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu lên các phương án ứng phó với dịch bệnh

Ngày 17/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 trong khi Bà Rịa-Vũng Tàu có thêm 428 ca mắc COVID-19, tăng 128 ca so với ngày hôm qua.
Hòa Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu lên các phương án ứng phó với dịch bệnh ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh chỉ đạo cuộc họp trực tuyến. (Ảnh: Thanh Hải/TTXVN)

Tỉnh Hòa Bình tổ chức xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 tại những nơi có nguy cơ cao trong khi Bà Rịa-Vũng Tàu nhanh chóng triển khai thành lập trạm y tế lưu động để chuẩn bị cho việc cách ly và điều trị F0 tại nhà. 

Hòa Bình tổ chức xét nghiệm tầm soát tại những nơi nguy cơ cao

Ngày 17/11, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hòa Bình tổ chức họp khẩn trực tuyến toàn tỉnh về công tác phòng, chống dịch trước diễn biến phức tạp hiện nay.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh yêu cầu các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố lên các phương án nhằm đối phó với mọi tình huống.

Ngành y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức xét nghiệm tầm soát SARS-CoV-2 tại những nơi có nguy cơ cao; lãnh đạo các huyện, thành phố tăng cường, thường xuyên chỉ đạo việc kiểm soát người đi về địa bàn thông qua các điểm khai báo y tế, phát huy hiệu quả Tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine ngừa COVID-19, huy động sự tham gia của các đơn vị công an, quân đội có khả năng tiêm hỗ trợ.

Theo báo cáo của Sở Y tế Hòa Bình, ngày 17/11, trên địa bàn tỉnh ghi nhận thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đều tại huyện Kim Bôi, lực lượng y tế đã khẩn trương truy vết các trường hợp F1.

Tính từ đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến ngày 17/11, tỉnh Hòa Bình ghi nhận 71 ca mắc COVID-19. Kết quả rà soát số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm trên địa bàn toàn tỉnh (bao gồm người có hộ khẩu trên địa bàn tỉnh được tiêm vaccine từ địa phương khác): tiêm mũi 1 là 309.221 người; đủ 2 mũi là 159.877 người.

Tại buổi làm việc, các ý kiến của thành viên trong Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Hòa Bình cho rằng cần rà soát công tác tiêm chủng, cơ sở sản xuất nhỏ, đối tượng có bệnh lý nền; hạn chế các hoạt động đông người, quy mô nhỏ, đám cưới không mời khách ngoài tỉnh, giảm quy mô.

Bên cạnh đó, điểm khai báo tập trung khai báo tại xã, cơ quan, doanh nghiệp phải được thực hiện nghiêm túc, tăng cường xét nghiệm sàng lọc, lựa chọn đối tượng nguy cơ cao để xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình Nguyễn Văn Toàn cho biết việc phát triển kinh tế, giao thương vẫn cần được tiếp tục duy trì, thực hiện "mục tiêu kép"; cách ly sớm, truy vết, xét nghiệm điều trị các trường hợp có liên quan đến F0...

Bà Rịa-Vũng Tàu nhanh chóng thành lập các trạm y tế lưu động

Ngày 17/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức cuộc họp về tình hình phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh.

Báo cáo tại cuộc họp, bác sỹ Phạm Minh An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết từ 18 giờ ngày 16/11 đến 18 giờ ngày 17/11, toàn tỉnh ghi nhận 428 ca mắc COVID-19, tăng 128 ca so với ngày hôm qua, trong đó ghi nhận 347 ca cộng đồng.

Thành phố Vũng Tàu và thị xã Phú Mỹ vẫn là hai địa phương có số ca mắc cao nhất tỉnh (thành phố Vũng Tàu với 190 ca mắc, trong đó 170 ca mắc cộng đồng; thị xã Phú Mỹ 132 ca mắc, 102 ca cộng đồng).

Tính đến nay, Bà Rịa-Vũng Tàu lũy kế có 733 F1 cách ly tại nhà. Việc thực hiện cách ly F1 tại nhà đang gặp một số khó khăn, do hầu hết các nhà ở nông thôn đều không đáp ứng được quy định nhà vệ sinh riêng trong phòng và các F1 cách ly tại nhà chưa được các địa phương giám sát chặt chẽ…

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết số ca mắc mới trên địa bàn tỉnh đang tăng cao, các cơ sở cách ly, bệnh viện dã chiến chỉ còn công suất 50%, vì vậy cần thực hiện cách ly F1, điều trị F0 tại nhà, nơi làm việc.

[Bà Rịa-Vũng Tàu: Số ca mắc COVID-19 vẫn tăng, nguy cơ bùng phát dịch]

Nguyên nhân số ca mắc trên địa bàn tỉnh tăng cao được xác định từ nguồn lây bên ngoài và hiện nay F0 đã xâm nhập vào trong cộng động, việc không truy vết triệt để F1, không xử lý triệt để ổ dịch khiến dịch ngày càng bùng phát. Bên cạnh đó, những nơi tập trung đông người đang là mối nguy lớn bùng phát dịch của tỉnh.

Ông Trần Văn Tuấn đề xuất để kiểm soát được dịch, tỉnh cần siết chặt, nâng cấp độ dịch đối với những địa bàn nguy cơ, xét nghiệm sàng lọc diện rộng nhằm phát hiện sớm F0.

Theo ông Mai Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh, Tổ trưởng Tổ phản ứng nhanh phòng, chống COVID-19 của tỉnh, các địa phương phải kiểm soát chặt chẽ việc tập trung đông người, tuyên truyền người dân thực hiện nghiêm quy định 5K.

Cụ thể, không để người dân buôn bán tự phát dưới lòng lề đường, việc tập trung ăn uống các cửa hàng ăn, quán càphê trong các ngõ hẻm…, tăng cường công tác truyền thông, xử lý hành chính vi phạm tụ tập đông người theo quy định.

Hòa Bình, Bà Rịa-Vũng Tàu lên các phương án ứng phó với dịch bệnh ảnh 2Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh khối 12, Trường THPT Bà Rịa, thành phố Bà Rịa. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ông Mai Ngọc Thuận đề nghị các địa phương phải tổ chức đánh giá lại thực tế cấp độ dịch của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh để đưa ra phương án phòng, chống dịch sát với thực tế.

Các địa phương nhanh chóng triển khai thành lập trạm y tế lưu động để chuẩn bị cho việc thực hiện cách ly và điều trị F0 tại nhà. Trạm Y tế lưu động này sẽ hỗ trợ việc điều trị các ca F0 tại nhà.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh Phạm Viết Thanh nhấn mạnh các địa phương cần sâu sát, nỗ lực, kịp thời hơn trong công tác phòng, chống dịch để sớm kiểm soát tốt được dịch; việc kiểm soát dịch không được thực hiện quá cứng nhắc, mà phải linh hoạt.

Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị các địa phương khi nâng cấp độ dịch phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết để thực hiện cho tốt.

Đối với việc cách ly, điều trị F0 tại nhà, tỉnh sẽ thực hiện vào ngày 25/11 tới, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, giám sát và có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn về việc cách ly, điều trị tại nhà đối với những trường hợp này.

Các địa phương phải nhanh chóng thành lập các trạm y tế lưu động, y tế chăm sóc trực tuyến cho F0 để người dân không hoang mang, lo lắng khi thực hiện cách ly, điều trị tại nhà./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục