Hòa Bình, Lâm Đồng, Đắk Lắk tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến

Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, các tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng và Đắk Lắk đã tổ chức các buổi tiếp xúc giữa cử tri với ứng cử viên theo hình theo hình thức trực tuyến.
Hòa Bình, Lâm Đồng, Đắk Lắk tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến ảnh 1Đồng chí Trương Thị Mai tiếp xúc cử tri trực tuyến với ba huyện Lạc Thủy, Kim Bôi, Cao Phong (Hòa Bình). (Nguồn: Nhandan)

Để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19, các tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng và Đắk Lắk đã tổ chức các buổi tiếp xúc giữa cử tri với ứng cử viên theo hình theo hình thức trực tuyến.

Mang tiếng nói của cử tri Hòa Bình đến các diễn đàn Quốc hội

Ngày 10/5, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng 4 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 thuộc Đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Hòa Bình đã kết thúc đợt tiếp xúc giữa cử tri với ứng cử viên theo hình theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của hơn 700 cử tri ở 26 điểm cầu tại 3 huyện (Kim Bôi, Lạc Thủy và Cao Phong).

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình giới thiệu tóm tắt tiểu sử, vị trí việc làm, quá trình công tác của 5 ứng cử viên tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Ứng cử viên Đơn vị bầu cử số 2 gồm các ông, bà: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đại biểu Quốc hội khóa XIV; Đặng Bích Ngọc, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình; Nguyễn Cao Sơn, Ủy viên Hội đồng Trung ương các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bùi Văn Quyết, giáo viên kiêm Thư ký hội đồng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Phú Lương, xã Quyết Thắng, huyện Lạc Sơn và Nguyễn Thu Nga, Tổ phó tổ Khoa học xã hội, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông huyện Kim Bôi.

[Cử tri Thái Nguyên tín nhiệm cao những người ứng cử đại biểu Quốc hội]

Đại diện cho các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, Đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Hòa Bình, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã trao đổi về một số giải đáp thắc mắc của cử tri, đồng thời nhấn mạnh, người trúng cử đại biểu Quốc hội sẽ tiếp tục quan tâm, giải quyết những vấn đề cử tri nêu, nhất là phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp cao trên địa bàn toàn tỉnh, đảm bảo xây dựng nông thôn bền vững để người dân được hưởng những thành quả của nông thôn mới mang lại.

Tại hội nghị, các cử tri ba huyện Kim Bôi, Lạc Thủy và Cao Phong đã được nghe ứng cử viên trình bày chương trình hành động cụ thể, ngắn gọn, thể hiện ý chí, quyết tâm của người ứng cử để hoàn thành trách nhiệm của người đại biểu dân cử.

Cử tri mong muốn các ứng viên sẽ đại diện, mang tiếng nói của cử tri đến diễn đàn Quốc hội; phấn đấu, nỗ lực không ngừng để phát triển đất nước, trong đó có phát triển tỉnh Hòa Bình; giữ mối quan hệ chặt chẽ với nhân dân, thường xuyên tiếp xúc, lắng ý kiến đóng góp để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Cử tri cũng mong muốn người ứng cử đại biểu Quốc hội cố gắng, nỗ lực thực hiện chương trình hành động; đặc biệt là luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển của từng địa phương và của tỉnh.

Các ứng viên cần chú trọng các vấn đề về quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, công nghiệp sạch, môi trường, đảm bảo cho người dân tham gia giao thông thuận lợi, giải quyết vấn đề việc làm tại chỗ, đẩy mạnh các ngành có lợi thế của tỉnh.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến công tác giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, làm tốt công tác dân tộc, nhất là các chính sách phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Trước đó, ngày 8/5, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cùng 4 ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 thuộc Đơn vị bầu cử số 2 đã dự buổi tiếp xúc giữa cử tri với ứng cử viên tại huyện Yên Thủy và Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Cử tri Lâm Đồng thống nhất cao với chương trình hành động của các ứng cử viên

Chiều 10/5, Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, thuộc Đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Lâm Đồng ở 6 điểm cầu tại huyện Lạc Dương.

Hòa Bình, Lâm Đồng, Đắk Lắk tiếp xúc cử tri theo hình thức trực tuyến ảnh 2Quang cảnh hội nghị. (Nguồn: Nhandan)

Năm đại biểu ứng cử là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc; ông Nguyễn Tạo, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội; bà Trịnh Thị Tú Anh, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Hợp tác quốc tế, Trường Đại học Đà Lạt; bà Nguyễn Thị Bảo Trâm, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường Trung học phổ thông chuyên Bảo Lộc; bà Ro Da Nai Vi, Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng.

Tại hội nghị, các cử tri đã nghe báo cáo tóm tắt tiểu sử của từng người ứng cử và nghe những người ứng cử trình bày chương trình hành động của mình nếu được bầu.

Các ứng cử viên khẳng định, nếu được cử tri tín nhiệm, bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ gắn bó mật thiết, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri; tham gia thảo luận và quyết định những vấn đề về lập hiến, lập pháp; quyết định chính sách đối nội, đối ngoại, các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội và công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Các ứng cử viên là cầu nối để phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân với Quốc hội và các cơ quan của Đảng, Nhà nước; tiếp nhận, phối hợp giải quyết những đề xuất, kiến nghị chính đáng, hợp pháp của nhân dân; gặp gỡ, trao đổi, thăm hỏi, động viên, nắm tình hình nhân dân nhiều hơn; kịp thời báo cáo tới cử tri về tình hình đất nước, về chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước.

Cử tri huyện Lạc Dương mong muốn các ứng cử viên đại biểu Quốc hội nếu trúng cử cần quan tâm một số vấn đề như chính sách về đất đai; công tác phòng, chống tham nhũng; chính sách bảo hiểm y tế cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp; vấn đề tuyên truyền đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa Tây Nguyên; triển khai tuyến đường Đông Trường Sơn; đào tạo nghề áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Các cử tri cũng bày tỏ sự thống nhất cao với chương trình hành động của các ứng cử viên; đồng thời bày tỏ kỳ vọng các ứng cử viên khi được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026 sẽ thực hiện đúng với chương trình hành động của mình đã đề ra, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh Lâm Đồng.

Ngoài ra, quan tâm đến các vấn đề như đảm bảo an sinh xã hội, công tác giảm nghèo, kịp thời đề xuất cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội nói chung, lĩnh vực du lịch, kết cấu hạ tầng cho tỉnh nói riêng. 

Tại buổi tiếp xúc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng các ứng cử viên đã trao đổi, chia sẻ, trả lời các ý kiến của cử tri về các giải pháp nếu trúng cử; trong đó có việc đẩy mạnh thực hiện Dự án đường Trường Sơn Đông; các vấn đề về giải quyết việc làm, đào tạo nghề; ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao; việc đổi mới chất lượng giáo dục, tận dụng chất xám trong thế hệ trẻ hiện nay…

Các ứng cử viên cũng cho rằng, các ý kiến của cử tri sẽ là nội dung quan trọng để ứng cử viên tiếp tục hoàn thiện chương trình hành động của mình trong suốt tiến trình bầu cử cũng như sau khi trở thành đại biểu Quốc hội khóa mới. 

Đợt tiếp xúc cử tri của người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đơn vị bầu cử số 1 tỉnh Lâm Đồng sẽ diễn ra từ ngày 10/5 đến 12/5, với số người ứng cử là 5 người, số đại biểu Quốc hội được bầu là 3 người.

Đắk Lắk: Ứng viên đưa ra nhiều vấn đề gắn với thực tiễn cuộc sống

Ngày 10/5, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài cùng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV thuộc Đơn vị bầu cử số 2, tỉnh Đắk Lắk đã tham dự hội nghị tiếp xúc giữa cử tri bằng hình thức trực tuyến.

Tại hội nghị, các cử tri đã được nghe tiểu sử tóm tắt và chương trình hành động của từng ứng cử viên. Trình bày chương trình hành động, các ứng viên chia sẻ niềm vinh dự, sự tự hào, trách nhiệm lớn lao khi được cơ quan, địa phương giới thiệu ứng cử.

Các ứng cử viên khẳng định sẽ luôn nỗ phấn đấu, rèn luyện để thực sự xứng đáng là người đại biểu đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng, nhân dân cả nước tại Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất nói chung; luôn sâu sát cơ sở, gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân, dành nhiều thời gian tiếp xúc cử tri để đưa tiếng nói của cử tri, nhân dân đến với nghị trường Quốc hội. 

Các ứng viên cũng nêu những nhiệm vụ trọng tâm nếu được cử tri tín nhiệm bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV; trong đó có nhiều vấn đề gắn với thực tiễn cuộc sống tại tỉnh Đắk Lắk.

Điển hình như phát triển cơ sở hạ tầng; thu hút đầu tư; cải cách hành chính; thực hiện các chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số; chăm lo đời sống cho người lao động; quy hoạch quản lý đất đai...

Ý kiến cử tri Đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Đắk Lắk (các huyện Krông Ana, Krông Pắc, M’đrắk, Lắk, Cư Kuin, Krông Bông) đều nhất trí cao với chương trình hành động do các ứng viên trình bày.

Cử tri mong muốn, nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa XV, các ứng viên sẽ thực sự xứng đáng là người đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân tại Quốc hội.

Cử tri cũng bày tỏ tâm tư, nguyện vọng, mong muốn các ứng cử viên khi trở thành đại biểu Quốc hội, trên lĩnh vực, cương vị đang công tác sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm và thay mặt nhân dân đề xuất với Quốc hội, các bộ, ngành quan tâm, giải quyết những vấn đề cử tri quan tâm như thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, nâng cấp các Quốc lộ 26, 27; sớm ổn định dân cư vùng dân di cư tự do; chăm lo tốt cho đời sống, vật chất tinh thần của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa, vùng căn cứ cách mạng...

Phát biểu tại Hội nghị, Trưởng ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài khẳng định một trong những việc trọng tâm là thường xuyên quan tâm, theo dõi tình hình phát triển kinh tế-xã hội của Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung để cùng với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk làm cầu nối giữa địa phương với Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành ở Trung ương trong việc giải quyết, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phục vụ cho sự phát triển của tỉnh, cũng như các địa phương vùng Tây Nguyên.

Các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV tại Đơn vị bầu cử số 2 tỉnh Đắk Lắk cảm ơn tình cảm, kỳ vọng của cử tri, nhân dân; đồng thời khẳng định mỗi ứng viên dù có trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XV hoặc không, cũng sẽ nỗ lực hết mình để xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của cử tri, nhân dân.

Chia sẻ với trăn trở của cử tri, các ứng cử viên cam kết sẽ cùng Đoàn đại biểu Quốc hội, chính quyền tỉnh Đắk Lắk tham mưu cho Đảng, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan Nhà nước ban hành những chủ trương chính sách khả thi, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân; tham mưu để vận động mọi tầng lớp nhân dân hiểu, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tạo sự tin tưởng, đồng thuận trong nhân dân.

Mục tiêu cuối cùng là để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk riêng và cả nước nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục