Hoàn thiện Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ nông dân

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lấy ý kiến các đơn vị trước ngày 10/9 để hoàn thiện Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ hộ nông dân.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị trước ngày 10/9 nhằm hoàn thiện Quy chế tạm trữ lúa, gạo hỗ trợ trực tiếp cho hộ nông dân trồng lúa để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dự thảo Quy chế mà bộ xây dựng nhằm mục đích hỗ trợ nông dân trồng lúa tạm trữ lúa, gạo và doanh nghiệp mua tạm trữ lúa, gạo trong vụ Đông Xuân và Hè Thu nhằm giảm áp lực tiêu thụ trong chính vụ thu hoạch, nâng cao giá bán và thu nhập cho nông dân.

Đối tượng ưu tiên là các hộ trồng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long; các doanh nghiệp sản xuất lúa; các doanh nghiệp kinh doanh lương thực tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long hợp đồng mua lúa, gạo trực tiếp với nông dân.

Thời điểm triển khai tạm trữ lúa, gạo dự kiến vào các tháng 2, 3 và 4 trong vụ Đông Xuân và các tháng 7, 8, 9 trong vụ Hè Thu đối với các hộ nông dân được tạm trữ định kỳ thường xuyên.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất lúa, kinh doanh lương thực mua tạm trữ khi giá lúa, gạo trên thị trường giảm dưới giá định hướng của Bộ Tài chính (giá lúa giảm làm lợi nhuận người trồng lúa không đạt 30% so với giá thành sản xuất) hoặc khi lượng lúa hàng hóa tồn đọng lớn, trong khi việc tiêu thụ khó khăn.

Khối lượng tạm trữ với vụ Đông Xuân tối đa là 1 triệu tấn quy gạo, với vụ Hè Thu tối đa là 1,5 triệu tấn quy gạo. Thời gian tạm trữ từ 1 đến 3 tháng kể từ thời điểm được vay vốn tạm trữ.

Các cơ chế hỗ trợ tài chính đối với hộ nông dân và doanh nghiệp cũng được nêu rõ như hộ nông dân trồng lúa tạm trữ lúa, gạo được ngân hàng cho vay vốn; lượng lúa, gạo tạm trữ là tài sản thế chấp để vay vốn sản xuất lúa vụ sau. Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất vay ngân hàng cho hộ nông dân, doanh nghiệp tạm trữ lúa gạo trong thời gian tối đa ba tháng...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, nhiều năm nay khi lượng lúa, gạo hàng hóa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng cao vào các tháng thu hoạch cao điểm làm giá lúa, gạo giảm, ảnh hưởng tới thu nhập và đời sống của nông dân trồng lúa.

Trên cơ sở đề nghị của các Bộ ngành liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam thu mua tạm trữ từ 500.000 đến 1 triệu tấn quy gạo.

Trong năm 2012, đã có hai đợt mua tạm trữ với số lượng 1,5 triệu tấn quy gạo, đáp ứng được mục tiêu làm cho giá lúa, gạo trên thị trường ổn định trở lại và tăng lên.

Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, phương thức mua tạm trữ này bộc lộ hạn chế là khó kiểm soát được việc mua bán lúa, gạo của doanh nghiệp.

Lãnh đạo các địa phương phản ánh việc phân bổ chỉ tiêu tạm trữ chưa phù hợp với khối lượng lúa hàng hóa ở từng địa phương; thời gian mua tạm trữ ngắn chỉ trong một tháng, trong khi thu hoạch rộ ở nhiều tỉnh chênh lệch nhau.

Ngoài ra doanh nghiệp hầu như không mua lúa, gạo trực tiếp từ hộ nông dân mà chủ yếu qua thương lái... nên nông dân không được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ của Nhà nước. Do vậy, quy chế và phương thức mua tạm trữ lúa gạo tới đây sẽ theo hướng phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ qua Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, bảo đảm hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân trồng lúa../.

Hoàng Tùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục