Hoãn xét xử cựu nhà báo tống tiền doanh nghiệp

Phiên tòa xét xử cựu nhà báo Phan Hà Bình, nguyên là Phó Tổng thư ký Tòa soạn Báo Tiền Phong, can tội “cưỡng đoạt tài sản” lại bị hoãn.
Phiên tòa xét xử cựu nhà báo Phan Hà Bình (sinh năm 1969, quê Quảng Ninh) can tội “cưỡng đoạt tài sản” theo lịch xử ngày 16/8 lại tiếp tục bị hoãn.

Trước đó ngày 20/7, phiên tòa cũng đã một lần phải hoãn xử. Ngày 25/8, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đưa ra xét xử vụ án này. Ông Phan Hà Bình sẽ phải đối diện với mức án có khung từ 7 đến 15 năm tù.

Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Phan Hà Bình nguyên là Phó Tổng thư ký Tòa soạn Báo Tiền Phong, Văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong tháng 9 và tháng 10/2010, Phan Hà Bình đã viết 3 bài đăng trên Báo Tiền Phong liên quan đến các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn là “SGT và KGB - dự án tỷ đô đầu voi đuôi chuột,” “Cổ phiếu bất thường trên sàn Hà Nội,” “Cách nào kiểm soát cổ phiếu bất thường.”

Sau đó, Phan Hà Bình đã nhiều lần chủ động liên hệ và gặp riêng bà Nguyễn Cẩm Phương là Giám đốc truyền thông của Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn để uy hiếp tinh thần, yêu cầu tập đoàn phải đưa tiền, nếu không sẽ viết tiếp các bài gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của tập đoàn này.

Theo yêu cầu của Bình, tập đoàn phải đưa 200 triệu đồng thì Bình sẽ dừng đăng các bài viết và đưa thêm 3.000 USD thì Bình sẽ đăng các bài lấy lại uy tín cho doanh nghiệp.

Vào lúc 18 giờ 30 ngày 13/10/2010, khi ông Bình đang nhận 220 triệu đồng từ bà Phương tại nhà hàng Nhật Hạ (đường Võ Văn Tần, quận 3) thì bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt giữ.

Ngoài ra, trong quá trình thu thập thông tin để viết bài, vào khoảng tháng 3/2009 Phan Hà Bình phát hiện trong bản cáo bạch của Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Lương Tài có phần không chính xác nên đã chủ động liên hệ với giám đốc công ty là ông Bùi Đình Hưng rồi từ đó buộc ông Hưng phải chi cho Bình 1.000 USD tại quán cà phê Zenta (đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1).

Trong quá trình điều tra, ông Bình đã nộp lại cho Cơ quan điều tra 1.000 USD để khắc phục hậu quả./.

Trần Xuân Tình (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục