Ban tổ chức thất hứa?

Hội Lim năm nay: Ban tổ chức thất hứa hay bất lực?

Đến hội Lim năm nay du khách hy vọng được nghe liền anh, liền chị "hát bộ" như ban tổ chức hứa hẹn nhưng hóa ra chẳng phải vậy...
Sớm nay, hàng nghìn du khách thập phương đã đổ về hội Lim. Dòng người ken đặc ngay từ đường dẫn lên đồi. Cả một vùng đất bụi mịt mù khiến cho rất nhiều du khách phải trẩy hội trong bộ dạng... nin-ja.

Người già, trẻ con, nam thanh nữ tú xúm xít quanh những lán quan họ và chen chúc nhau để được vào gần nhất nghe các liền anh liền chị đối đáp nhau bằng những làn điệu.

Đến đó, nghe đó, những tưởng hội Lim năm nay sẽ “thay da đổi thịt” như lời hứa của ông Trưởng ban tổ chức hội Lim , rằng các liền anh, liền chị sẽ hát bộ, không dùng loa, micro như mọi năm hóa ra đó cũng chỉ là hứa... suông.

Ban tổ chức thất hứa

Nhiều du khách từ các tỉnh đổ về hội Lim khấp khởi mừng vì năm nay nghe thông báo là sẽ được về hội Lim nghe những câu hát quan họ với lối diễn mộc mạc đúng như quan họ cổ truyền thống, thế nhưng họ mau chóng thất vọng.

“Tôi vẫn thấy các liền anh liền chị vẫn hát bằng micro, tăng âm... Các lán quan họ đặt gần nhau quá khiến cho các giọng lấn át lẫn nhau, chỉ thấy một không gian náo loạn chứ làm gì mà nghe được thành những lời ca đối đáp của các liền anh, liền chị,” chị Kiều Nhung, một du khách đến từ Hà Giang bức xúc.

Trước đó, chị Nhung có đọc thông tin trên báo chí và được biết trong ngày đầu diễn ra lễ hội (ngày 14/2, tức 12/1 âm) lịch) sẽ hoàn toàn hát bộ, nếu không "ổn" ban tổ chức mới xin ý kiến của Ủy ban nhân dân tỉnh, thực sự cần mới quay về hát bằng loa đài trong ngày thứ hai (15/2 âm lịch). Nhưng thực chất, thời gian hát bộ không nhiều, ngay từ chiều ngày đầu tiên các lán quan họ đã ầm ĩ và đối nhau chan chát nhờ loa, tăng âm vào cuộc.

Rất nhiều du khách đều có chung tâm trạng như chị Nhung. Họ về hội Lim với mong muốn tìm lại một nét đẹp văn hóa truyền thống song những gì họ chứng kiến chỉ là một không gian hỗn loạn, chẳng có chút gì gọi là văn hóa, chứ chưa nói đến tính truyền thống và nét đẹp duyên dáng mang hơi thở Kinh bắc.

... Hay bất lực?

Hội Lim năm nay tiếp tục lặp lại những hình ảnh mất mỹ quan như những năm trước. Ban tổ chức dường như bất lực trước những người ăn xin, ăn mày là những em bé hay cụ già nằm lăn lóc dọc đường lên đồi Lim. Hàng quán lộn xộn với đủ thứ hầm bà làng vẫn tái diễn.

Và, đặc biệt trò cờ bạc đỏ đen vẫn hoành hành ngay trước mắt lực lượng an ninh. Hàng chục xới “xấp ngửa” ngang nhiên lừa đảo du khách nhẹ dạ cả tin dễ dàng trúng mánh của những “chim mồi.”

Không những thế, công tác vệ sinh môi trường cũng không thực sự được đảm bảo và làm yên lòng du khách. Chị Linh ở Nguyễn Thái Học, Hà Nội đã phải len, lách chóng mặt mới thoát khỏi biển người đổ về hội Lim để tìm chỗ vứt túi rác. Thế nhưng đi từ trên đồi xuống đến cổng chị cũng chẳng thấy bóng dáng chiếc thùng rác công cộng nào.

Hỏi những người bán hàng xung quanh xem có thùng rác nào gần đó không thì chị nhận được câu trả lời vô tư: “Rác hả, vứt xuống đây này” và chỉ ngay xuống chỗ dưới chân chị Linh đang đứng rồi nói “Cần gì thùng rác, mà ở đây cũng không có đâu”.

“Tôi đã hy vọng rằng ban tổ chức sẽ rút được kinh nghiệm từ những lần tổ chức trước. Nhất là khi Quan họ vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới thì hội Lim càng cần phải được tổ chức sao cho xứng tầm chứ thế này tôi thất vọng quá.

Chẳng thấy có văn hóa truyền thống ở đâu! Có lẽ hội Lim đang trở thành tụ điểm cho người ta buôn bán thì đúng hơn. Nếu di sản Quan họ mà được tổ chức trong một không gian thiếu tính văn hóa thế này, tôi nghĩ nó phải gọi ‘dị sản’ mới đúng!”.

Đã năm năm mới trở lại với hội Lim nhưng anh Lưu Tuấn, du khách Hà Nội vẫn phải thốt lên đầy chán nản như thế.

Còn anh Dũng đến từ Cầu Giấy, Hà Nội cũng chia sẻ: “Chiều qua đến đây (14/2), vợ chồng tôi đã phát hoảng trước cảnh những ô chiếu ăn nằm la liệt trên đồi Lim, mùi mực và cá chỉ nướng ngào ngạt khắp nơi. Người bán hàng bày chiếu kín mặt đất, chẳng còn mấy chỗ mà đi lại.”

Thế nhưng những người có tâm với vốn cổ, với văn hóa truyền thống vẫn nuôi dưỡng một niềm hy vọng, sau khi Quan họ Bắc Ninh được UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới vào năm 2010 thì hội Lim, nơi tích tụ đậm đặc nhất bản sắc của Quan họ sẽ “chất” hơn, sẽ xứng tầm với danh tiếng của một di sản.

Và, hy vọng rằng những năm sau đến hội Lim sẽ không còn phải chứng kiến những hình ảnh chướng tai gai mắt làm xót lòng những người yêu vốn cổ./.

ChiLê-Xuân Dũng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục