Đại diện chính phủ và phe đối lập tại Syria đã bước vào ngày đàm phán thứ tư mang tính quyết định tại Geneva (Thụy Sĩ).
Trong ngày đàm phán dự kiến là cuối cùng của vòng hai này, hai bên chịu sức ép phải đạt được một số thỏa thuận nhằm tránh sự thất bại của vòng đàm phán này.
Một nhà ngoại giao phương Tây cho biết cuộc gặp ngày 14/2 có thể xem là "liều thuốc thử" nhằm xác định liệu tiến trình hòa bình Syria có thể khai thông hay không. Tuy nhiên, nguồn tin này thừa nhận triển vọng đàm phán rất mờ nhạt.
Trong ba ngày đàm phán trước, hai bên không tìm được một điểm chung trên bất kỳ chủ đề nào và vẫn khăng khăng duy trì quan điểm trái ngược của mình.
Phe đối lập Syria đưa ra một tài liệu gồm 22 điểm về giai đoạn quá độ chính trị ở Syria, chủ yếu đề nghị thành lập một chính phủ chuyển tiếp, với trách nhiệm bầu ra một quốc hội lập hiến để soạn thảo hiến pháp mới, tổ chức ngừng bắn, trả tự do cho tất cả các tù nhân, tạo điều kiện cho trợ giúp nhân đạo đến được mọi nơi và các tay súng nước ngoài phải rời khỏi lãnh thổ Syria.
Phe đối lập không hề nhắc đến đương kim Tổng thống Bashar Al Assad, không muốn ông có bất cứ một vai trò gì trên chính trường Syria trong giải pháp của họ.
Phía chính phủ Syria không chấp nhận đề nghị trên và yêu cầu đặt ưu tiên vào vấn đề chống khủng bố.
Trước tình trạng bế tắc, Đặc phái viên Liên hợp quốc Lakhdar Brahimi đã phải gặp riêng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov với hy vọng họ có thể gây được sức ép lên các phe phái tham chiến tại Syria. Tuy nhiên, ông Brahimi cũng phải thừa nhận nguy cơ thất bại của vòng đàm phán này là rất lớn.
Các cuộc đàm phán tại hội nghị hòa bình về Syria hay còn gọi là Hội nghị Geneva II bắt đầu từ 22/1, nhưng đến nay chưa đạt được tiến triển nào đáng kể nhằm mở ra hy vọng chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài gần ba năm qua, khiến hơn 136.000 người thiệt mạng và hàng triệu người phải ly tán tại quốc gia Trùng Đông này./.