Mạng lưới Australia vì hòa bình và độc lập (IPAN) vừa tổ chức Hội nghị quốc gia IPAN 2017 với chủ đề: “Chiến tranh, hòa bình và độc lập: Giữ cho Australia đứng ngoài các cuộc chiến tranh của Mỹ."
Tại hội nghị, các chính trị gia, học giả và cựu quan chức chính phủ đều nhất trí cho rằng nếu tương lai châu Á do Trung Quốc dẫn dắt, Australia cần cân bằng chính sách đối ngoại vốn lấy Mỹ làm trung tâm lâu nay.
Các học giả tham dự thừa nhận Australia đang phải đối mặt với một số thách thức lớn khi bước vào “Thế kỷ châu Á," đặc biệt liên quan đến việc cân bằng lợi ích kinh tế và an ninh.
Kể từ khi nước này ký Hiệp ước An ninh quân sự với Mỹ và New Zealand (ANZUS) năm 1953, Australia tiếp tục nhận được sự bảo vệ của Mỹ, song cũng từ thời điểm này, chính sách đối ngoại của Canberra bị các mục tiêu chiến lược của Mỹ chi phối và việc thiếu một chính sách đối ngoại độc lập rõ ràng đã làm suy yếu lợi ích quốc gia của Australia.
[Australia phối hợp quân sự với Hàn Quốc để đối phó Triều Tiên]
Giáo sư Margaret Beavis, Chủ tịch Hiệp hội Y học ngăn ngừa chiến tranh (MAPW), cho rằng Australia đã bị kéo vào các cuộc chiến tranh theo các "thỏa thuận dàn xếp" và rằng liên minh chặt chẽ với Mỹ luôn khiến Canberra có nguy cơ bị kéo vào các cuộc xung đột trong tương lai.
Theo bà Beavis, ngoài những thiệt hại về con người, ngân sách tài chính cho các vấn đề chính sách đối nội của Australia thường bị cắt giảm do phải chi trả cho các cuộc tham chiến ở nước ngoài như Iraq hay Afghanistan, và mới đây nhất là cam kết của Chính phủ Australia triển khai quân đến Philippines để hỗ trợ quân đội Mỹ trong cuộc chiến chống lực lượng Hồi giáo nổi dậy ở Marawi.
Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, do đó việc Canberra tăng cường quan hệ với cường quốc đang nổi lên này được đánh giá là rất quan trọng đối với tương lai kinh tế đất nước./.