Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các địa phương nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tập trung sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Ngày 27/9, tại Bạc Liêu, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với sự tham dự của dự của các lãnh đạo Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh của 13 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Tại hội nghị, Văn phòng Chính phủ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái được phân công làm Chủ tịch Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tưởng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, hội nghị này rất quan trọng có sự tham dự của lãnh đạo của bộ, ngành, Trung ương và lãnh đạo 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đây là cơ hội để đưa các tiềm năng, thế mạnh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khắc phục những hạn chế, những tồn tại, đồng thời phát huy những kết quả làm được.

[Quy chế hoạt động Hội đồng Điều phối vùng Đồng bằng Sông Cửu Long]

Tại hội nghị này, cũng cần sự chia sẻ thẳng thắn, thực tế từ lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long về các giải pháp trong quá trình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, liên kết phát triển vùng, chuyển đổi số, nâng cao các giá trị sản phẩm từ nông nghiệp, giao thông; các nhiệm vụ trọng tâm của vùng, các tỉnh, thành phố; những khó khăn, vướng mắc.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt được kết quả khá toàn diện; trở thành vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây. Kinh tế tăng trưởng khá với chất lượng được cải thiện; quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 970.000 tỷ đồng, chiếm 11,95% tổng sản phẩm quốc nội (GDP); tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân đầu người đạt mức 56,02 triệu đồng/người/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; nhiều dự án công nghiệp trọng điểm về năng lượng đi vào hoạt động.

Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, năm 2020 có 60,8% số xã đạt chuẩn quốc gia; kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đầu tư bằng nhiều nguồn lực, góp phần thay đổi diện mạo của vùng.

Nhiều hình thức liên kết, hợp tác vùng được hình thành; công tác giảm nghèo, thực hiện các chính sách xã hội đạt nhiều kết quả; đời sống vật chất, tinh thần người dân trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long từng bước được cải thiện.

Tuy nhiên, vùng còn những hạn chế, bất cập phát triển chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của vùng như tăng trưởng kinh tế của vùng đang chậm lại; công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao phát triển chậm; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế.

Cùng đó, tỷ trọng xuất khẩu có xu hướng giảm, chủ yếu là xuất khẩu các sản phẩm nông-thủy sản có giá trị gia tăng thấp; hạ tầng giao thông và liên kết giữa các phương thức vận tải phát triển chưa đồng bộ; các trung tâm logistic lớn chưa được hình thành; hoạt động liên kết vùng, tiểu vùng chưa thực sự hiệu quả; chưa có chính sách đủ mạnh để tạo bước đột phá cần thiết cho khu vực và một số địa phương trọng điểm của vùng.

Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cần có cơ chế, chính sách đặc thù phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó, nhằm thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp của Đảng về phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long tại Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02 tháng 4 năm 2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Cùng đó là các cơ chế, chính sách đặc thù cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của vùng, tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển của vùng để đạt được mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra.

Mặt khác, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù của vùng để có thể áp dụng được ngay, đồng thời rà soát nghiên cứu các chính sách đặc thù đang thực hiện thí điểm cho các địa phương khác mà phù hợp với điều kiện thực tế áp dụng cho vùng để đề xuất nghiên cứu, áp dụng.

Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Đồng Văn Thanh phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho rằng Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất và xuất khẩu lương thực, thực phẩm, thủy hải sản và trái cây lớn nhất của cả nước; đóng góp khoảng 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng thủy sản nuôi trồng, 60% lượng cá xuất khẩu và gần 70% các loại trái cây của cả nước.

Đây là khu vực có hệ thống sông ngòi chằng chịt và nhiều khu vực cây xanh rộng lớn, với các tiểu vùng sinh thái đặc trưng phù hợp cho phát triển các ngành nông nghiệp chủ lực.

Để Vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cần có cơ chế điều phối vùng đảm bảo tính đồng bộ, nhất quán và hiệu quả, phù hợp theo quy định của pháp luật và các quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Do đó, trong thời gian tới, với sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long; cùng với sự chung tay, đồng sức đồng lòng của các bộ, ngành Trung ương, Thành phố Hồ Chí Minh và các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tất cả cùng hướng đến mục tiêu chung, đó là các quyết định về liên kết vùng, quy hoạch tổng thể vùng, điều phối phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế-xã hội… đều phù hợp với lợi ích và nhu cầu của từng địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Qua đó, từng bước nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 và những năm tiếp theo.

Tại hội nghị, đại biểu của các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cùng thảo luận nội dung cơ bản về cơ chế, chính sách đặc thù của vùng, những nội dung liên kết, phối hợp dự án có tính chất liên kết nội bộ vùng và liên vùng quan trọng đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội nghị lần thứ nhất Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 3Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, các ý kiến thảo luận của đại biểu, lãnh đạo địa phương rất sát sao, đầy đủ với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư, phát triển nguồn nhân lực, hệ thống cơ sở hạ tầng… của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước; là vùng cực Nam của Tổ quốc, là cầu nối nước ta với các nước trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong.

Đây cũng là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây, giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho cả nước.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian qua, tổng thể Vùng Đồng bằng sông Cửu Long có kết cấu và liên kết vùng, liên kết trong công nghiệp chế biến, các chuỗi giá trị nông nghiệp, giao thông có điểm nghẽn lớn nhất là chưa đầy đủ và đồng bộ; nhất là vùng chưa có cảng biển nước sâu nên khiến cho việc xuất khẩu yếu, lợi thế cạnh tranh rất khó khăn, thu hút đầu tư và phát triển nguồn nhân lực của vùng bị hạn chế.

Về định hướng hoạt động của Hội đồng Điều phối Vùng trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có những hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Điều phối Vùng.

Trong số đó, tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Đặc biệt, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu nông nghiệp phù hợp với từng vùng sinh thái, chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, hạn mặn; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Để Hội đồng Điều phối Vùng Đồng bằng sông Cửu Long hoạt động hiệu quả, thực chất, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đề nghị các thành viên Hội đồng, lãnh đạo bộ, ngành và địa phương bám sát các nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Điều phối Vùng và quy chế hoạt động của Hội đồng Điều phối Vùng để đề ra kế hoạch hành động và khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ liên quan điều phối, liên kết vùng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục