Hội Nhà báo Hà Nội - nơi "chắp cánh" cho tác phẩm bay cao

Để có được các đề tài hay, lạ, Hội Nhà báo Hà Nội đã định hướng, gợi mở đề tài, hỗ trợ kinh phí và khen thưởng, khuyến khích các hội viên cho "ra lò" tác phẩm chất lượng cao.
Hội Nhà báo Hà Nội - nơi "chắp cánh" cho tác phẩm bay cao ảnh 1Hội đồng chấm chung khảo giải báo hình. (Ảnh: Quốc Khánh/TTXVN)

Hà Nội được ví như “binh chủng” báo chí, với đội ngũ hùng hậu gồm trên 1.000 hội viên Hội Nhà báo; 22 cơ quan báo, đài, tạp chí.

Trong số này có không ít nhà báo lão luyện về nghề, sắc bén trong tư duy tìm kiếm chủ đề cũng như cách thể hiện chuyên nghiệp, đã thực hiện nhiều tác phẩm báo chí có tầm và ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội.

Hội Nhà báo Hà Nội luôn là một trong số các Hội dẫn đầu cả nước về số hội viên đoạt giải cao trong các các kỳ Giải báo chí Quốc gia.

Theo ông Nguyễn Viêm Hoàng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Hà Nội để chuẩn bị cho các tác thẩm thuộc nhiều thể loại báo chí (báo in, báo hình, báo nói, báo ảnh, báo điện tử) tham gia Giải báo chí Quốc gia thì trước đó Hà Nội đã tổ chức Giải báo chí Ngô Tất Tố.

Đây là giải báo chí có uy tín của Thủ đô, tổ chức nhiều năm qua đã thu hút đông đảo hội viên tham gia. Qua giải này, Hội Nhà báo Hà Nội chọn lựa được nhiều tác phẩm đoạt giải cao tham gia dự thi Giải báo chí Quốc gia.

Qua theo dõi nhiều năm, đa phần các tác phẩm, tác giả đoạt giải cao ở Giải báo chí Ngô Tất Tố đều “ẵm” Giải báo chí Quốc gia. Ví dụ như các tác phẩm "Nhà bỏ hoang giữa lòng Hà Nội;" "Lòng yêu nước đúng mực và thông thái;" "Tập đoàn điện lực cứu thua lỗ viễn thông bằng cách làm kỳ lạ" năm 2011 là ví dụ điển hình, ông Nguyễn Viêm Hoàng cho biết.

Để có được các đề tài hay, lạ, ngoài sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan báo chí Thủ đô, sự nhạy bén của các phóng viên, nhà báo, Hội Nhà báo Hà Nội cũng định hướng, gợi mở đề tài, khuyến khích các hội viên tham gia, hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm chất lượng cao.

Hà Nội chọn năm 2014 là “năm trật tự văn minh đô thị,” nên các cơ quan báo chí, anh em phóng viên, nhà báo chuyển hướng “tiến công” tuyên truyền cho chủ đề này.

Quả nhiên, có nhiều loạt bài hấp dẫn về quản lý trật tự đô thị, xây dựng cơ bản, quản lý đất công…, tác động tích cực tới đời sống xã hội, được mang đi dự thi.

Ông Nguyễn Viêm Hoàng cũng tin chắc rằng sẽ có tác phẩm, tác giả viết chủ đề nêu trên sẽ được vinh danh tại giải báo chí Quốc gia năm 2014.

Tiếp sức cho các tay bút, tay máy, ngoài hỗ trợ kinh phí của Hội Nhà báo, cho các tác phẩm, các cơ quan báo chí còn có nhiều cách khen thưởng riêng, rất thiết thực như cộng điểm xét duyệt viên chức, tăng lương trước thời hạn, bổ nhiệm chức vụ…

Điều này thực sự giúp anh em phóng viên phấn chấn, hăng say, yêu nghề hơn, và quan trọng hơn là ngày càng cho “ra lò” nhiều tác phẩm chất lượng cao.

Đề cập đến, quy mô, cơ cấu giải, ông Nguyễn Viêm Hoàng cho rằng Giải báo chí Quốc gia đã được tổ chức một cách trang trọng, khoa học, có sức lan tỏa, tạo sân chơi bình đằng với mọi nhà báo, phóng viên trên mọi miền Tổ quốc.

Đặc biệt, Ban tổ chức đã lựa chọn được đội ngũ những nhà báo dày dạn kinh nghiệm, công tâm, khách quan tham gia Ban giám khảo, nên các giải thưởng được trao cho các cá nhân cũng như tập thể, đều nhận được sự đồng tình cao của đông đảo người làm báo cả nước.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Viêm Hoàng cũng đề xuất nhiều năm nay, lễ trao Giải báo chí Quốc gia đều được tổ chức tại Hà Nội, điều này làm giảm đi sự hấp dẫn với người tham dự. Do vậy, Ban tổ chức cũng nên tổ chức tại một số thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Cần Thơ, Hải Phòng…, để mỗi lần tham dự trao Giải báo chí Quốc gia, hội viên của các tỉnh, thành có dịp giao lưu học hỏi cách thức làm báo, trao đổi kinh nghiệm sống của vùng miền đó, nhằm có thêm hiểu biết bổ ích cho hoạt động nghề nghiệp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục