Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm di cư lao động an toàn

Hội thảo nhằm đề xuất các chương trình hợp tác nhằm tối ưu hóa lợi ích của người lao động di cư, hướng tới hoạt động di cư an toàn.
Ngày 4/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tập đoàn Manpower tổ chức Hội thảo Di cư lao động an toàn - kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn tại Việt Nam.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và Hà Nội; đại diện Đại sứ quán các nước Nhật Bản, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Australia, Philippines, Hà Lan; các tổ chức trong và ngoài nước đã tham dự hội thảo.

Hội thảo là cơ hội để các bên liên quan chia sẻ thông tin, số liệu về tình trạng buôn bán, vận chuyển người trái phép; đồng thời trao đổi những giải pháp; đề xuất những chương trình hợp tác nhằm tối ưu hóa lợi ích của người lao động di cư, hướng tới hoạt động di cư an toàn vì quyền lợi của người lao động di cư, của nước phái cử, nước tiếp nhận lao động cũng như các bên có liên quan.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thanh Hòa, trong những năm qua, hệ thống văn bản pháp luật, quy định điều chỉnh trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ngày càng được bổ sung và hoàn thiện.

Trong những năm qua, bình quân mỗi năm Việt Nam đưa được khoảng 85.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm.

Hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc tại tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cùng với các thị trường truyền thống như Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số quốc gia trong khu vực Trung Đông, châu Phi, các thị trường khác như châu Âu, Bắc Mỹ, Australia, New Zealand cũng đã và đang được quan tâm, xúc tiến.

Lao động Việt Nam làm việc tại nước ngoài tạo ra nguồn thu ngoại tệ đáng kể cho đất nước với lượng kiều hối chuyển về trong nước ngày càng tăng, bình quân từ 1,7 -2 tỷ USD mỗi năm.

Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cũng phối hợp chặt chẽ với Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tạo nước ngoài tìm hiểu thông tin về chính sách, nhu cầu tiếp nhận lao động của các nước, chủ động đặt vấn đề với các nước về tiếp nhận lao động Việt Nam.

Đến nay, Việt Nam đã ký kết nhiều Hiệp định, Thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước và vùng lãnh thổ có tiếp nhận lao động như Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Lào, Qatar, Liên bang Nga, Bulgaria, Canada...

Việt Nam cũng đã thành lập một hệ thống quản lý lao động ở nước ngoài, trong đó có 7 ban quản lý lao động trực thuộc Đại sứ quán Việt Nam tại một số nước và vùng lãnh thổ có nhiều lao động Việt Nam làm việc như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, các tiểu Vương quốc Ảrập thống nhất, Arập Xêút và Séc; đang xem xét để chuẩn bị mở lại ban quản lý lao động tại Qatar và Libya.

Với hệ thống quản lý lao động như trên, Việt Nam đã quản lý và bảo vệ tốt quyền lợi người lao động, phát hiện và xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh.

Phó Chủ tịch Tập đoàn Manpower David Arkless dẫn chứng, hiện trên thế giới có khoảng 250 triệu người làm việc tại nước ngoài để kiếm tiền do nhiều nguyên nhân khác nhau như do thiên tai, biến đổi khí hậu; xung đột chính trị ở một số nước và những lý do về kinh tế.

Do đó, nếu không xây dựng được những quy định di cư an toàn cho người lao động sẽ dẫn đến việc người lao động trở thành đối tượng bị buôn bán người. Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế cần có sự hợp tác chặt chẽ để giải quyết nạn buôn bán người.

Lợi thế của Việt Nam hiện nay trong việc thu hút đầu tư nước ngoài là có một lực lượng lao động trẻ, có kỹ năng tốt, chính vì vậy, Việt Nam cần có những biện pháp đẩy mạnh hợp tác trong công tác phòng, chống nạn buôn bán người trong tương lai.

Để bảo đảm tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam di cư ra nước ngoài an toàn, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng, tạo hành lang pháp lý để bảo hộ công dân; tăng cường bộ máy thực hiện bảo hộ công dân bằng việc mở thêm các cơ quan đại diện ở nước ngoài; lập đường dây nóng ở các cơ quan đại diện ở nước ngoài.

Các Bộ này cũng tham gia tích cực các thỏa thuận quốc tế và hợp tác quốc tế để bảo hộ công dân; chủ động phối hợp với các cơ quan trong nước xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài; tiếp tục đàm phán với các nước tranh chấp trên vùng biển đảo nhằm tìm ra giải pháp thỏa đáng cho các bên liên quan để duy trì sự phát triển đất nước, bảo vệ ngư trường, tính mạng, tài sản của ngư dân...

Hội thảo cũng đã nghe giới thiệu về chính sách pháp luật của Việt Nam trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế về lao động di cư; những kinh nghiệm và thực tiễn triển khai tại một số nước phái cử lao động...

Các đại biểu cho rằng trong thời gian tới cần tăng cường quản lý nhà nước về việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; tiếp tục triển khai Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực hiện các biện pháp mở rộng thị trường; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đại diện ở nước ngoài theo dõi, bảo vệ quyền lợi của người lao động đi xuất khẩu lao động.

Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh có hiệu quả các chương trình hỗ trợ người lao động nghèo, người lao động thuộc diện chính sách xã hội đi làm việc ở nước ngoài; có biện pháp thu hút, sử dụng lao động về nước nhằm sử dụng kỹ năng, kinh nghiệm của người lao động có hiệu quả.../.

Phúc Hằng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục