Hội thảo góp ý hoàn thiện pháp luật về khiếu nại tại TP Hồ Chí Minh

Chuyên gia kiến nghị cần mở rộng đối tượng khiếu nại theo hướng các hoạt động quản lý hành chính gây ra thiệt hại đều có thể là đối tượng khiếu nại thay vì một số dạng nhất định như quy định hiện nay.
Hội thảo góp ý hoàn thiện pháp luật về khiếu nại tại TP Hồ Chí Minh ảnh 1Quang cảnh hội thảo. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngày 14/6, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học "Hoàn thiện pháp luật về khiếu nại tại Việt Nam hiện nay" nhằm tìm ra những giải pháp hoàn thiện pháp luật về khiếu nại phù hợp với thực tiễn sau gần 12 năm thực hiện Luật Khiếu nại 2011.

Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Khoa Luật Hành chính-Nhà nước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết thực tiễn khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong thời gian qua còn những hạn chế, thiếu sót nhất định như tỷ lệ giải quyết đơn khiếu nại còn thấp; tiến độ giải quyết chậm; chất lượng, hiệu quả giải quyết nại chưa cao; nhiều vụ việc giải quyết khiếu nại chưa đúng quy định của pháp luật…

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do những quy định của pháp luật về khiếu nại đã bộc lộ những bất cập như: chủ thể khiếu nại chưa được quy định thống nhất; đối tượng khiếu nại chưa thật sự được mở rộng; thủ tục còn phức tạp, thẩm quyền giải quyết khiếu nại chưa bảo đảm tính khách quan, vô tư; vì vậy, các quy định của pháp luật về khiếu nại cần sớm được hoàn thiện.

[Khôi phục quyền lợi cho 13.600 công dân qua giải quyết khiếu nại]

Tại hội thảo, các chuyên gia đã phân tích những bất cập cụ thể và đề xuất hướng giải quyết. Tiến sỹ Lê Việt Sơn, Phó trưởng Bộ môn Luật Tố tụng hành chính, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh nêu rõ theo quy định của pháp luật khiếu nại hiện nay, cá nhân, cơ quan và tổ chức chỉ có thể khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật cán bộ, công chức và các đối tượng đó phải đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định.

Hội thảo góp ý hoàn thiện pháp luật về khiếu nại tại TP Hồ Chí Minh ảnh 2Tiến sỹ Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Khoa luật Hành chính-Nhà nước, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Điều này dẫn đến thực trạng nhiều hoạt động công vụ của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước thể hiện dưới các hình thức khác gây ra thiệt hại đến cá nhân, cơ quan và tổ chức trong xã hội nhưng họ không thể khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo Tiến sỹ Lê Việt Sơn, các cơ quan nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ công vụ được giao đã đưa ra các dạng hoạt động quản lý khác nhau như khuyến nghị, kết luận.

Các hình thức này nếu sai sót sẽ gây ra thiệt hại rất lớn nhưng "nạn nhân" không thể khiếu nại hay khởi kiện vụ án hành chính bởi vì đây không phải là đối tượng khiếu nại hay khởi kiện vụ án hành chính.

Đồng thời, các cá nhân, tổ chức này cũng không thể khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu đòi bồi thường do hoạt động công vụ gây ra bởi vì không thuộc những hoạt động được bồi thường theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.

Để bảo đảm quyền khiếu nại của cá nhân, cơ quan và tổ chức bị xâm phạm bởi các hoạt động công vụ của cơ quan Nhà nước, người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước gây ra, Tiến sỹ Lê Việt Sơn kiến nghị cần mở rộng đối tượng khiếu nại theo hướng các hoạt động quản lý hành chính gây ra thiệt hại đều có thể là đối tượng khiếu nại thay vì phải thể hiện dưới một số dạng nhất định như quy định hiện nay.

Hội thảo góp ý hoàn thiện pháp luật về khiếu nại tại TP Hồ Chí Minh ảnh 3Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Về vấn đề thẩm quyền giải quyết khiếu nại, bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhận định, quy định chủ thể có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu là người đã ra quyết định hành chính là không khách quan.

Trên thực tế, kết quả thường là bác khiếu nại và người khiếu nại nếu muốn giải quyết vẫn chỉ có "con đường" là khởi kiện hành chính. Vì vậy, quy định này trong Luật không còn phù hợp với thực tế, cần nghiên cứu sửa đổi./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục