Hội thảo khoa học Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hiến pháp 1946

Gần 70 năm trôi qua, Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, thời đại, việc tiếp tục nghiên cứu Hiến pháp 1946 làm rõ thêm về tầm nhìn, tư tưởng nhân văn tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hội thảo khoa học Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hiến pháp 1946 ảnh 1(Nguồn: vtv.vn)

Ngày 17/5, tại thành phố Huế đã diễn ra Hội thảo khoa học Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hiến pháp 1946, nhân kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chào mừng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Hội thảo do Bảo tàng Hồ Chí Minh tỉnh Thừa Thiên-Huế phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Huế tổ chức.

60 báo cáo, tham luận đã được các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên công tác ở hơn 30 trường đại học, cao đẳng, học viện, trung tâm, cơ quan nghiên cứu trong cả nước gửi về hội thảo, tập trung vào các nội dung nêu bật vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quá trình ra đời Hiến pháp 1946; Chủ tịch Hồ Chí Minh với dấu ấn và tư tưởng sâu đậm trong Hiến pháp 1946 về lập hiến, các quyền cơ bản của con người, về giáo dục, đại đoàn kết; việc vận dụng, phát huy những giá trị của Hiến pháp 1946 vào quá trình xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo khẳng định với những chế định cụ thể, Hiến pháp 1946 đã tạo cơ sở pháp lý để nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Tinh thần dân chủ của Hiến pháp góp phần tập hợp mọi lực lượng yêu nước, dân chủ trong cả nước, tạo chỗ dựa về chính trị và pháp lý cho Nhà nước dân chủ nhân dân trong công cuộc vừa kháng chiến vừa kiến quốc.

Đã gần 70 năm trôi qua, nhưng Hiến pháp 1946 vẫn còn nguyên giá trị lịch sử, thời đại. Việc tiếp tục nghiên cứu bản Hiến pháp 1946 đã làm rõ thêm về tầm nhìn, những tư tưởng nhân văn tiến bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như những giá trị của bản Hiến pháp dân chủ đầu tiên của nước ta, với vai trò chỉ dẫn nguyên tắc cơ bản về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

Hội thảo lần này là dịp để các nhà khoa học, những người đang công tác trong lĩnh vực lý luận tư tưởng, những cán bộ, giảng viên ở các trường cao đẳng, đại học, các cơ quan nghiên cứu, cơ quan văn hóa cùng nhìn lại, trao đổi và chia sẻ những kết quả nghiên cứu về vai trò của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Hiến pháp 1946 cùng những dấu ấn tư tưởng của Người được thể hiện trong bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục