Ngày 23/2, tại cuộc họp báo về công tác xuất cấp nguồn hàng dự trữ quốc gia cho nhân dân trong dịp Tết và giáp hạt 2016; hỗ trợ học sinh, học kỳ 2 năm học 2015-2016, ông Lê Văn Thời, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân đã có hơn 1 triệu lượt người nghèo được hỗ trợ gạo.
Theo ông Lê Văn Thời, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã nhận được văn bản của 17 tỉnh, đề nghị Chính phủ hỗ trợ gạo dự trữ quốc gia cho khoảng 1.145.182 nhân khẩu, tương ứng với số gạo hỗ trợ là 17.177.730 kg. Mức hỗ trợ là 15kg/tháng/nhân khẩu và thời gian hỗ trợ 1 tháng.
Tính đến ngày 4/2 (tức ngày 26 Tết), các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực được giao nhiệm vụ xuất gạo đã hoàn thành kế hoạch xuất khẩu gạo, kịp thời hỗ trợ cho 1.145.182 nhân khẩu của 17 tỉnh.
Gạo dự trữ quốc gia cấp hỗ trợ các địa phương bảo đảm chất lượng, số lượng theo đúng kế hoạch tiếp nhận của Ủy ban Nhân dân các tỉnh.
Về chính sách hỗ trợ gạo cho học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, quy định nêu rõ mức hỗ trợ 15 kg gạo/tháng/học sinh và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh, lấy từ nguồn gạo dự trữ quốc gia.
Theo ông Lê Văn Thời, trong học kỳ I năm học 2015-2016, Tổng cục Dự trữ Nhà nước xuất gạo từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ cho học sinh 48 tỉnh, thành phố để hỗ trợ cho khoảng 540.000 học sinh, tương ứng với số lượng 40.228.250 kg gạo.
Theo đó, số lượng gạo thực tế Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã xuất 39.885.158 kg (giảm 343.092 kg so với số gạo theo quyết định của Bộ).
Để bảo đảm xuất cấp gạo học kỳ II năm học này, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã có Tờ trình Bộ ban hành Quyết định xuất 32.976.381 kg gạo cho hơn 539.000 học sinh thuộc 48 tỉnh, thành phố theo nguyên tắc cấp theo số lượng các địa phương báo cáo.
Các địa phương chưa có số liệu báo cáo thì tạm cấp theo số liệu của các địa phương đã phân bổ trong học kỳ I để tính cho 4 tháng của học kỳ II.
Ông Lê Văn Thời cho hay, việc hỗ trợ gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho học sinh được các địa phương và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn là chính sách mang lại hiệu quả và ý nghĩa chính trị rất lớn nhằm khuyến khích động viên các em học sinh đến trường..../.