Hơn 2.000 lượt đơn vị sẽ được tư vấn về thị trường xuất-nhập khẩu

Chương trình là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới của Bộ Công Thương theo hướng tạo cơ hội giá trị phát triển hiệu quả vào các thị trường xuất-nhập mục tiêu.
Hơn 2.000 lượt đơn vị sẽ được tư vấn về thị trường xuất-nhập khẩu ảnh 1Lãnh đạo Bộ Công Thương bấm nút Khởi động Chuỗi chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất-nhập khẩu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Lễ Khởi động chuỗi chương trình tư vấn, cung cấp thông tin cho địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp Việt Nam về thị trường xuất-nhập khẩu đã được Bộ Công Thương tổ chức chiều 18/11, tại Hà Nội.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, năm 2021, chuỗi chương trình sẽ chính thức được triển khai từ ngày 19/11 và kéo dài trong khoảng 1 tháng với 20 phiên tư vấn theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, tập trung vào các thị trường xuất khẩu quan trọng và tiềm năng của Việt Nam, gồm: Ai Cập, Australia, Arập Xêút, Bắc Âu (Na Uy, Phần Lan, Thuỵ Điển), Bỉ, Bulgaria, Hungary, Indonesia, Israel, Lào, Mỹ, Myanmar, Nam Phi, New Zealand, Nga, Pháp, Singapore, Tây Ban Nha và Trung Quốc.

Điểm đặc biệt của chương trình là các đơn vị tham gia sẽ được tạo điều kiện tốt nhất để trao đổi chi tiết những vấn đề thuộc đặc thù riêng của đơn vị với các chuyên gia, đại diện tư vấn.

Dự kiến trên 2.000 lượt cơ quan, doanh nghiệp sẽ được phục vụ tư vấn và Ban tổ chức sẽ huy động đội ngũ các chuyên gia tư vấn trong nước và quốc tế, đại diện các Thương vụ Việt Nam giàu kinh nghiệm thị trường thực hiện tư vấn chuyên sâu cho các đơn vị tham gia.

Ông Phú cho biết chương trình là một trong các hoạt động xúc tiến thương mại được đổi mới theo hướng ứng dụng công nghệ thông tin, tạo cơ hội giá trị để các địa phương, doanh nghiệp chia sẻ thông tin, xác định được hướng đi và biện pháp thâm nhập, phát triển hiệu quả vào các thị trường xuất-nhập khẩu mục tiêu. Từ đó, doanh nghiệp cải thiện nội lực, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thương trường quốc tế, vững vàng vượt qua khó khăn do COVID-19 và đóng góp vào sự phục hồi và phát triển kinh tế cũng như sự phát triển bền vững của nền ngoại thương Việt Nam.

[Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương trên môi trường số]

Tại buổi Lễ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ triển khai chương trình này một cách thường xuyên và thường niên đối với các thị trường xuất nhập khẩu là đối tác thương mại của Việt Nam để chương trình đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các doanh nghiệp.

Bộ trưởng giao các đơn vị thuộc bộ tiếp tục trao đổi, nắm bắt nhu cầu, cung cấp thông tin xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam; đẩy mạnh năng lực cung cấp thông tin và dự báo về thị trường cũng như xây dựng và triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, thiết thực hiệu quả nhằm hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp.

“Các thương vụ tại nước ngoài cần chủ động đánh giá thực tiễn và bám sát biến động của thị trường trong hoạt động thương mại quốc tế nói chung và thương mại với Việt Nam nói riêng, đặc biệt là những yếu tố mới phát sinh để đề xuất giải pháp ứng phó cho phù hợp,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên lưu ý thêm.

Chuỗi chương trình tư vấn tập trung vào 3 nhóm nội dung chính sau:

- Cung cấp cho các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam những thông tin cập nhật về các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất nhập khẩu của các nước trên thế giới, các cam kết quốc tế về các sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu.

- Tư vấn, giải đáp những vấn đề các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp quan tâm liên quan đến xuất, nhập khẩu hàng hóa với các thị trường mục tiêu như yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, bao bì, nhãn mác, tập quán và thói quen tiêu dùng, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất-nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất-nhập khẩu...

- Hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam phục hồi sản xuất, đẩy mạnh nhập khẩu các mặt hàng là nguyên liệu quan trọng phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, xuất khẩu các mặt hàng mà các thị trường nước ngoài có nhu cầu lớn, Việt Nam có tiềm năng.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục