Họp khẩn cấp đối phó với dịch cúm lợn

Ngày 28/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người và các đơn vị liên quan đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp chỉ đạo về công tác phòng chống cúm lợn.

Ngày 28/4,  Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống đại dịch cúm ở người và các đơn vị liên quan đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp chỉ đạo về công tác phòng chống cúm lợn.

Mặc dù chưa phát hiện trường hợp lợn bị nhiễm cúm H1N1, song ngành nông nghiệp Việt Nam đã lên các phương án chủ động ứng phó với dịch bệnh này. Ông Bùi Quang Anh, Cục trưởng Cục Thú y nói rằng, đơn vị sẽ chủ động nắm bắt thông tin về diễn biến dịch cúm trên người ở các nước, báo cáo Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm và đề xuất các biện pháp thích hợp để phòng bệnh lây vào Việt Nam.

Về việc nhập khẩu thịt lợn, ông Anh cũng hiện không có căn cứ khoa học để cấm nhập khẩu. Do vậy cần kiểm soát chặt chẽ việc này.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát chỉ đạo, ngoài việc theo dõi tình hình thế giới, các đơn vị trong ngành phải giám sát chặt hơn nữa tình hình chăn nuôi trong nước. Nếu phát hiện ra lợn bị cúm, phải lấy mẫu phân tích và gửi sang những phòng phân tích uy tín trên thế giới để tham chiếu xem đó là chủng virut gì để tìm hướng xử lý. Ngoài ra, phải nhanh chóng xử lý ổ dịch.

Tình hình bệnh cúm H1N1 diễn biến khá phức tạp nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát nói rằng, trong thời điểm hiện tại, người dân không nên quá hoang mang với việc sử dụng thịt lợn. Theo ông Phát, hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào tìm thấy trường hợp cúm H1N1 lây từ lợn sang người và từ thực phẩm sang người. Do đó, người dân không nên quá hoang mang khi sử dụng thịt lợn làm thực phẩm. Tuy nhiên, cần nấu chín thịt lợn khi sử dụng cũng như thực hiện đầy đủ những biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trong ngày 28/4, Cục Thú y cũng đã có văn bản hướng dẫn phòng chống bệnh cúm lợn gửi tất cả các địa phương trong cả nước. Văn bản trên nêu rõ, các địa phương cần kiểm soát nghiêm ngặt động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu, đặc biệt là vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn chưa qua chế biến.

Cục Thú y nhấn mạnh, do virus cúm lợn lây lan chủ yếu qua đường tiếp xúc trực tiếp nên cần nhanh chóng cách ly lợn nghi nhiễm bệnh. Việc thực hiện phun tiêu độc khử trùng chuồng nuôi phải được thực hiện nghiêm ngặt, tiêm phòng đầy đủ vacxin đầy đủ.
 


Trung Hiền (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục