Hợp tác đa ngành và xuyên biên giới: Chìa khóa để đẩy lùi dịch bệnh

Các nhà khoa học cho rằng trong một môi trường toàn cầu hóa thì việc xây dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài sẽ là nền tảng của liên kết đa ngành và xuyên biên giới nhằm ứng phó, vượt qua đại dịch.
Hợp tác đa ngành và xuyên biên giới: Chìa khóa để đẩy lùi dịch bệnh ảnh 1Tổng thống Singapore Halimah Yacob và các đại biểu khai mạc Hội nghị Một sức khỏe thế giới lần thứ 7, tại Singapore. (Ảnh: World One Health Congress)

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết khoảng 70% các mầm bệnh mới nổi có nguồn lây từ động vật sang người. Việc sử dụng tài nguyên đất đai vô trách nhiệm, phá rừng và biến đổi khí hậu đều làm tăng nguy cơ lây lan mầm bệnh mới từ động vật hoang dã và động vật sang người. “Chúng ta chỉ có thể thực sự làm cho thế giới an toàn hơn nếu chúng ta giải quyết được những nguyên nhân cơ bản của bệnh dịch và đại dịch,” ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh.

Đây cũng chính là thông điệp mà 120 diễn giả đến từ 60 quốc gia đưa ra tại Hội nghị Một sức khỏe thế giới lần thứ 7 diễn ra trong 5 ngày, từ 7-11/11, tại Singapore. Cũng trong khuôn khổ hội nghị lần này, một chuỗi hội thảo tâm điểm do Quỹ Temasek tài trợ bao gồm các phiên thảo luận kéo dài ba ngày (8-10/11) tập trung vào sự sẵn sàng chống lại các mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng khu vực châu Á, đặc biệt là ở Đông Nam Á.

Thách thức từ các bệnh truyền nhiễm

Các chuyên gia nhận định Đông Nam Á hiện vẫn là điểm nóng về các bệnh truyền nhiễm mới nổi, bởi khu vực này là nơi có các khu vực tập trung đông dân cư với mức độ đa dạng và điều kiện kinh tế-xã hội khác nhau. Mặt khác, khu vực này cũng là một trong những nơi có tỷ lệ phá rừng cao nhất trên thế giới và sự thay đổi khí hậu tác động mạnh mẽ đến con người, động vật và hệ sinh thái... 

Là một trong những diễn giả tham gia phiên thảo luận chính trong chuỗi hội thảo, Phó giáo sư Tiến sỹ Lê Văn Tấn-Trưởng nhóm các bệnh nhiễm trùng mới nổi thuộc Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford tại Việt Nam trong cuộc phỏng vấn bên lề với phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus cho biết Việt Nam cũng như các nước trong khu vực và thế giới đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ về các bệnh truyền nhiễm. 

[WHO: Vaccine vẫn có giá trị bảo vệ cao trước đại dịch COVID-19]

Cụ thể, COVID-19 hiện vẫn còn là đại dịch và sự tiến hóa bất định của SARS-CoV-2 đang là một vấn đề quan ngại. Bên cạnh đó, thách thức cũng đến từ các bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng. "Ở khu vực Đông Nam Á, bệnh tay chân miệng chu kỳ 2-3 năm thì có một đợt dịch lớn gây ra nhiều ca bệnh nặng ở trẻ em dưới 5 tuổi cũng là một vấn đề mà Việt Nam và khu vực cần quan tâm," ông Tấn nói.

Mặt khác, nguy cơ còn đến từ các bệnh có thể ngăn ngừa bằng vaccine. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, năm 2021 có khoảng 25 triệu trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn thế giới không được tiêm đầy đủ các mũi vaccine cơ bản, làm gia tăng nguy cơ các dịch bệnh này bùng phát. 

Trong khi đó, các quốc gia cũng phải đối mặt với nguy cơ đến từ các bệnh nhiễm trùng mới nổi khác chưa được biết đến, hay gọi là bệnh X (theo cách gọi của Tổ chức Y tế Thế giới) cũng như vấn đề kháng thuốc kháng sinh.

Hợp tác đa ngành và xuyên biên giới: Chìa khóa để đẩy lùi dịch bệnh ảnh 2Phó giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Tấn (thứ hai bên trái) tại phiên thảo luận. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh đó, PGS Tiến sĩ Lê Văn Tấn nhấn mạnh hợp tác liên ngành cũng như hợp tác xuyên biên giới là vô cùng quan trọng, khi mà các đại dịch có thể xảy ra bất cứ lúc trong một thế giới mở cửa và hội nhập hiện nay. "Xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu dài sẽ là nền tảng của hợp tác đa ngành và xuyên biên giới. Mặt khác, nguồn kinh phí đầu tư cho các dự nghiên cứu khoa học trọng điểm với quy mô hợp tác đa quốc gia cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để sớm 'giải mã' và hóa giải dịch bệnh. Cùng với đó, sự điều phối, trao đổi và chia sẻ thông tin giữa các bên cũng là động lực thúc đẩy cùng nhau phát triển và phát huy tối đa các dự án nghiên cứu xuyên quốc gia trong khu vực và thế giới," ông Tấn khẳng định.  

Đặc biệt, vai trò của truyền thông là không thể phủ nhận và đã được khẳng định qua việc ứng phó với đại dịch COVID-19 vừa qua. Theo ông Tấn, truyền thông chính là "chìa khóa" trong việc tuyên truyền về dịch bệnh cũng như là kênh phản hồi hiệu quả về các kiến nghị của người dân với các chính sách của chính phủ. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, ông Tấn cho rằng các cơ quan truyền thông, báo chí cần tiếp tục phát huy vai trò, cung cấp thông tin một cách kịp thời và chính xác, thông điệp dễ hiểu với cộng đồng để cùng hợp sức đẩy lùi các thách thức về dịch bệnh.

Chung tay "giải mã" và đẩy lùi dịch bệnh

Hội nghị Một sức khỏe thế giới (WOHC) lần thứ 7 do Viện Y tế Toàn cầu SingHealth Duke-NUS (SDGHI) tổ chức quy tụ hơn 1.400 người tham dự trực tiếp và 1.000 người tham dự ảo đến từ các cơ quan chính chủ, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia y tế hàng đầu, xã hội dân sự, khu vực tư nhân và các tổ chức đa phương trên khắp thế giới cùng nhau chia sẻ về các chủ đề cấp bách và mới nổi vô cùng đa dạng, bao gồm: Dịch tễ học và giám sát dịch bệnh, sản xuất và buôn bán động vật, an toàn thực phẩm, sức khỏe con người, an ninh y tế toàn cầu...

Với chủ đề “Tích hợp khoa học, chính sách và thực hành lâm sàng: Nhu cầu một sức khỏe hậu COVID-19,” hội nghị năm nay nhằm thúc đẩy các nỗ lực và hợp tác đa ngành, tăng cường cách tiếp cận và quan điểm của toàn xã hội đối với các mối nguy về sức khỏe và quản lý rủi ro trước những thách thức về dịch bệnh. Theo đó, các diễn giả tập trung thảo luận vào 5 chủ đề gồm: Khoa học sức khỏe; khả năng chống chọi với đại dịch và hệ thống y tế; chính sách, môi trường và an ninh sinh học; tác động và đổi mới trong thực hành lâm sàng; tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Đặc biệt, các diễn giả nhấn mạnh vai trò của việc giải mã gene nhằm phát hiện sớm sự xuất hiện của các biến chủng mới cũng như các nghiên cứu liên quan nhằm đánh giá mối đe dọa tiềm tàng đến từ các biến chủng mới của SARS-CoV-2 cũng như các dịch bệnh khác trong tương lai. 

Đại diện nước chủ nhà WOHC lần này, Tổng thống Singapore Halimah Yacob trong bài phát biểu khai mạc sự kiện cũng đã khẳng định việc các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu và trình tự gen của các chủng virus cùng với nỗ lực của các chính phủ ủng hộ các sáng kiến đa phương về vaccine như cơ chế Covax cho phép mở rộng chương trình tiêm chủng ra cộng đồng với tốc độ đáng kể đã góp phần nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh nặng, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Hợp tác đa ngành và xuyên biên giới: Chìa khóa để đẩy lùi dịch bệnh ảnh 3Tổng thống Singapore Halimah Yacob phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: World One Health Congress).

"Singapore cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các nhà nghiên cứu và nhà khoa học duy trì cơ sở dữ liệu bộ gen của virus và phát triển các bộ xét nghiệm cung cấp cho các quốc gia khác," bà Halimah Yacob nói.

Tuy nhiên, bà Halimah Yacob cũng cho rằng ngay cả khi đại dịch này đang giảm dần, thì thế giới vẫn phải bắt đầu chuẩn bị cho dịch bệnh X tiếp theo, có thể còn có sức tàn phá nặng nề hơn. Vì vậy, việc duy trì một hợp tác liên ngành, giữa các nhà khoa học cũng như các nỗ lực xuyên biên giới của các chính phủ trong việc hỗ trợ các sáng kiến, nghiên cứu cũng như tăng cường sức chống chịu của hệ thống y tế sẽ vẫn là điểm mấu chốt. 

Trên cơ sở đó, tổng thống Singpaore cho biết quốc gia này vừa chính thức khởi động chương trình Nghiên cứu chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh trong 5 năm, với ngân sách lên tới 100 triệu đô la Sinagpore nhằm hỗ trợ và nâng cao năng lực nghiên cứu thiết yếu, các nền tảng chuyển đổi và chuyên môn có thể sử dụng để phát hiện, ứng phó và ngăn chặn các nguy cơ bùng phát dịch bệnh truyền nhiễm. Chương trình cũng thiết lập các mạng lưới hợp tác trong khu vực để giảm thiểu và ngăn chặn các mối đe dọa dịch bệnh trong tương lai.

Hội nghị Một sức khỏe thế giới lần thứ 8 sẽ điễn ra tại Nam Phi vào năm 2024./.

Một sức khỏe - One Health, là nỗ lực hợp tác của nhiều lĩnh vực cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu để đạt được sức khỏe tối ưu cho con người, động vật và môi trường. Mạng lưới Một sức khỏe được trải rộng khắp thế giới, tiếp cận bằng cách tích hợp để kêu gọi hợp tác liên ngành và đa ngành bao gồm y tế, thú y, khoa học môi trường… để giải quyết bệnh tật và các vấn đề sức khỏe liên quan giữa con người, động vật sinh sống trong hệ sinh thái.

Một số vấn đề Một sức khỏe có thể kể đến như:

- Ứng phó và kiểm soát bệnh lây truyền giữa động vật và người; điều tra và giám sát tác nhân gây bệnh.

- An toàn thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn.

- Mối liên hệ giữa y tế công cộng-động vật-con người, mối liên hệ giữa các loài, sản phẩm động vật thương mại.

- Sức khỏe động vật hoang dã - sự xâm lấn của con người và các mối liên quan, hiểu và tiếp cận hệ sinh thái.

- Kháng thuốc - lạm dụng trong chăn nuôi, sử dụng không đúng cách, lây lan vi khuẩn kháng thuốc từ động vật sang người.

- Phòng chống thiên tai - dịch vụ giải thoát và cứu hộ khẩn cấp, nguy cơ dịch bệnh sau thiên tai.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục