Hốt bạc nhờ kinh doanh theo trào lưu phim, game

Nhờ trào lưu phim, game, nhiều bạn trẻ đã nắm bắt cơ hội, tranh thủ tích lũy vốn bằng cách kinh doanh các mặt hàng liên quan.

Thời gian gần đây, nhờ trào lưu phim, game, nhiều bạn trẻ đã nắm bắt cơ hội, tranh thủ kinh doanh nhiều mặt hàng liên quan. Có thể điểm tên một số trào lưu hiện vẫn đang gây sốt trong cộng đồng như: bộ phim có nhân vật Kim Tan với sản phẩm bùa DreamCatcher, trò chơi Flappy Bird với hình ảnh chú chim tròn trĩnh hay bài hát đình đám hiện nay - “Mình yêu nhau đi” với câu hát “Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi anh…” đang được các bạn trẻ cover cũng như chế lời nhiều nhất hiện nay…

Gây sốt tại Việt Nam từ cuối năm 2013 cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt là sản phẩm bùa DreamCatcher. Hàng loạt các shop DreamCatcher mọc lên trên mạng với đa dạng chủng loại, mẫu mã sản phẩm có giá từ 60.000-450.000 đồng/chiếc. Không chỉ thế, các lớp học tự phát dạy làm loại bùa đặc biệt này cũng tranh thủ ăn theo.

Bạn Đào Vân Giang, chủ shop DreamCatcher Store 36/53/285 Đội Cấn cho biết, bản thân bạn cũng là một người “phát cuồng” vì bùa DreamCatcher và tìm tòi cách làm sản phẩm này. Nắm bắt thị hiếu của các bạn trẻ, Giang mở shop online.

“Thời gian đầu, mỗi ngày đơn hàng đặt tại shop lên đến hàng trăm cái mà mỗi ngày một mình Giang chỉ có thể làm 15-20 chiếc trả hàng cho khách. Sau phải rủ và dạy một số người bạn cùng làm mới xuể,” Giang chia sẻ.

Một ngày Giang tự làm được trên dưới chục chiếc bùa, sau khi trừ chi phí mua nguyên vật liệu cộng tiền phí giao hàng thì mỗi ngày Giang cũng kiếm được hơn một triệu đồng.

“Hiện giờ, mỗi ngày Giang vẫn trả khách đều đặn từ 10-15 chiếc, chưa kể các shop lưu niệm khác đặt hàng. Ngoài ra, Giang còn đang triển khai lớp học làm DreamCatcher với 60.000 đồng/người/buổi tại quán cà phê gần nhà, miễn phí toàn bộ nguyên vật liệu,” bà chủ trẻ cho biết.

Sau DreamCatcher, Flappy Bird lên ngôi với hình ảnh chú chim ngộ nghĩnh với trò chơi cùng tên. Các bạn trẻ yêu thích trò chơi này lại thích thể hiện quan điểm của mình trên những chiếc áo phông với nhiều khẩu ngữ: “Home of Flappy Bird” cùng những chú chim xếp hình ngôi sao năm cánh, “Keep calpm and play Flappy Bird,” “Flap it,” I killed Flappy Bird,”….

Mỗi khẩu ngữ, hình ảnh là một cá tính, một ý nghĩa khác nhau. Áo phông Flappy Bird với giá từ 130.000-180.000 đồng được các bạn trẻ vô cùng ưa chuộng.

Chỉ một thời gian ngắn sau khi trò chơi Flappy Bird "" trên báo chí, mạng xã hội thì tại Việt Nam cũng xuất hiện những mẫu áo đầu tiên mang hình ảnh chú chim nhỏ do JeansBOX store tại 112 Phương Mai, Hà Nội tung ra thị trường. Những mẫu áo này nhanh chóng được nhiều bạn trẻ yêu thích và tìm mua.

Hốt bạc nhờ kinh doanh theo trào lưu phim, game ảnh 1Một trong các mẫu áo phông Flappy Bird từ nước ngoài. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Không chỉ áo phông, hình ảnh chú chim Flappy Bird còn được nhiều bạn trẻ ứng dụng trong những sản phẩm đan móc như túi, móc chìa khóa, thú bông, gối hay đơn giản là vẽ móng tay.

Hiện tại, khi cơn lốc Flappy Bird bắt đầu chững lại thì những chiếc áo phông với khẩu ngữ được chế từ câu hát “Hay là mình cứ bất chấp hết yêu nhau đi anh…” trong ca khúc đình đám “Mình yêu nhau đi” lại bắt đầu lên ngôi.

“Tuy nhiên, đó chỉ là thời vụ,” đây là nhận xét của hầu hết các chủ shop.

“Bởi trào lưu chỉ tồn tại một thời gian chứ không phải là mãi mãi do đó nếu nắm bắt ngay được thời cơ thì có thể tranh thủ kinh doanh và nhanh chóng tích lũy vốn cho bản thân để tiếp tục đầu tư vào một thứ gì đấy mà bạn thấy có thể,” bạn Đào Vân Giang nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục