Hướng dẫn viên du lịch - Bài toán khó

Để đáp ứng nhu cầu của 1,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Hà Nội mỗi năm, vấn đề hướng dẫn viên luôn là bài toán khó.
Để đáp ứng nhu cầu của 1,2-1,3 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Hà Nội mỗi năm, vấn đề hướng dẫn viên luôn là bài toán khó. Số lượng thiếu, chất lượng chưa cao là những tồn tại trong đội ngũ hướng dẫn viên du lịch ở Thủ đô.

Thiếu về số lượng

Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội cho thấy, toàn thành phố có 1.534 hướng dẫn viên được cấp thẻ hành nghề. Theo quy định mới, tất cả các hướng dẫn viên này phải đổi lại thẻ. Tuy nhiên, do chưa đủ cơ sở để cấp mới, nên toàn bộ số thẻ hướng dẫn viên đang sở hữu không còn hiệu lực.

Không chỉ vậy, đa phần các hướng dẫn viên mới chỉ biết những thứ tiếng chính như Anh, Pháp, còn số hướng dẫn viên có thể phục vụ du khách từ các thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga chưa nhiều.

Cách đây khoảng 4 năm, lượng khách Hàn Quốc, Nhật Bản đến Hà Nội tăng đột biến khiến hướng dẫn viên hai thứ tiếng này rơi vào tình trạng khan hiếm trầm trọng. Chính vì vậy, nhiều công ty lữ hành sử dụng người của hai nước này đang làm việc tại Hà Nội để làm hướng dẫn viên. Điều này gây nên tình trạng lộn xộn cho môi trường du lịch Hà Nội.

Nhiều công ty du lịch phải viết sẵn kịch bản giới thiệu rồi thuê người biết thứ tiếng đó đi theo đoàn để đọc kịch bản. Anh Nguyễn Công Hoan, Phó giám đốc Hanoi Red Tour nhận định: “Nhìn chung, số lượng hướng dẫn viên chưa đáp ứng được tốc độ gia tăng của khách du lịch vào Hà Nội. Hanoi Red Tour vẫn phải sử dụng hai nguồn hướng dẫn viên cho khách gồm hướng dẫn viên làm việc cố định tại công ty và cộng tác viên”.

Theo đánh giá của những người trong ngành du lịch Hà Nội, số lượng hướng dẫn viên luôn có sự biến động do đây là nghề đòi hỏi sức khỏe, thời gian và luôn phải xa nhà. Chính vì vậy, nhiều người chỉ coi nghề hướng dẫn viên là nhất thời, gắn bó với nó khi tuổi còn trẻ và khi chưa có công việc ổn định khác, đặc biệt là đối với nữ giới.

Anh Vũ Minh Thọ, người từng được đề cử vào danh sách 11 hướng dẫn viên giỏi nhất thế giới do tạp chí du lịch quốc tế Wanderlust của Anh bình chọn năm 2005, nay là giám đốc Công ty Asia Top Travel tâm sự: “Hướng dẫn viên là nghề có vất vả riêng, phải chịu nhiều sức ép, đi dài ngày lại hay xa gia đình và va chạm nhiều nên nhiều người không muốn gắn bó lâu dài”. Trước kia, mỗi tháng anh Thọ phải đi tour từ 24-28 ngày.

Yếu về chất lượng

Nói về vấn đề chất lượng hướng dẫn viên du lịch, ông Phùng Văn Khải, Giám đốc Công ty Hapro Travel cho rằng trình độ hướng dẫn viên hiện chưa đáp ứng được yêu cầu do công tác đào tạo của Việt Nam chưa mang tính chuyên nghiệp.

Với các tour đi du lịch nước ngoài và tour dành cho khách quốc tế vào Hà Nội thì sự thành công của mỗi chuyến du lịch phụ thuộc rất nhiều vào trình độ hướng dẫn viên. Nhưng thực tế, ngoài hạn chế về ngoại ngữ, số hướng dẫn viên Hà Nội có trình độ và kiến thức sâu rộng cũng chưa nhiều. Một vấn đề ít được hướng dẫn viên chú trọng là cách tiếp cận với khách để hiểu văn hóa, thói quen, tâm lý của họ, hòa đồng với họ.

Anh Lê Trung Thu, hướng dẫn viên của Công ty Du lịch Công đoàn Việt Nam, người đã có khoảng 10 năm trong nghề cho rằng "Hướng dẫn viên không chỉ giỏi về kiến thức, kỹ năng giao tiếp mà còn phải biết nhận định, xử trí các vấn đề xảy ra trong chuyến đi để tìm cách khắc phục. Điều này phải đòi hỏi kinh nghiệm kết hợp với sự linh hoạt của hướng dẫn viên”.

Hiện tại, ngành du lịch Hà Nội đã có nhiều chương trình nâng cao chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên như thi hướng dẫn viên giỏi, chuẩn bị chương trình thi hướng dẫn viên giỏi Thăng Long-Hà Nội, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình đào tạo...

Tuy nhiên, để đáp ứng được nhu cầu thực tế, các doanh nghiệp cho rằng, Hà Nội cần có định hình về thị trường khách rõ ràng, có biểu đồ nhu cầu để đào tạo, xác định điểm du lịch chính của Hà Nội để đào tạo hướng dẫn viên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục