“Cái mà chúng ta thay đổi là hướng giáo dục toán học đến sự mưu sinh của mỗi một con người sau này.”
"Chúng ta đã lãng phí thời gian, tiền của cho những việc làm không tạo ra năng lực thực sự, nhất là năng lực giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống của các em."
Đó là chia sẻ của Giáo sư Đỗ Đức Thái, chủ biên chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới, về sự thay đổi môn Toán học trong chương trình mới.
Dự thảo chương trình môn Toán và các môn học khác vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố để lấy ý kiến đóng góp của công luận.
Chương trình Toán thiết thực, hiện đại, khơi nguồn sáng tạo
- Thưa giáo sư Đỗ Đức Thái, ông có thể cho biết đâu là những điểm mới của chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới so với chương trình hiện hành?
Giáo sư Đỗ Đức Thái:Chương trình môn Toán trong chương trình giáo dục phổ thông mới được ban soạn thảo chúng tôi soạn trên phương châm 10 chữ: tinh giản, thiết thực, hiện đại và khơi nguồn sáng tạo.
Thứ nhất là tinh giản. Nội dung chương trình môn Toán là cốt lõi, nền tảng của văn hóa toán học, là nội dung nhất thiết phải đề cập đến trong chương trình phổ thông. Chương trình đó phải phản ánh nhu cầu hiểu biết thế giới cũng như phản ánh hứng thú, sở thích của người học.
Nội dung của chương trình môn Toán phải là những cái cốt lõi, vì toán học rất mênh mông, học suốt đời cũng không hết. Trong khuôn khổ số tiết có hạn của môn Toán, chúng ta chỉ có thể kết cấu nội dung đơn giản, cốt lõi.
Thứ hai là thiết thực. Nội dung chương trình môn Toán phải có tính ứng dụng, gắn kết với đời sống thực tế, với các môn học khác trong chương trình. Môn Toán phải gắn với xu thế phát triển của kinh tế, khoa học, kỹ thuật của đất nước trong thời gian tới vì sản phẩm của chúng ta là những công dân tương lai, người chủ đất nước và kiến tạo đất nước trong thời gian tới.
Điều đó cho phép chúng ta khắc phục hạn chế học Toán hiện nay: nặng truyền thụ kiến thức, nặng ứng thí, khiến môn Toán trở nên nặng nề với học sinh, nhất là việc luyện thi, học thêm tràn lan. Áp lực thi cử làm việc học Toán trở nên nặng nề với tất cả học sinh, mà học xong, ngoài đi thi ra, không biết để làm gì cho cuộc sống.
Chúng ta đã lãng phí thời gian, tiền của cho những việc làm không tạo ra năng lực thực sự, nhất là năng lực giải quyết các vấn đề trong thực tiễn cuộc sống của các em.
Chương trình môn Toán phải hiện đại, vì đất nước ngày càng hội nhập. Nếu gắn chặt chương trình với quốc tế thì nay mai các em học xong phổ thông có thể trực tiếp tham gia vào thị trường lao động quốc tế ở trên và ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Môn Toán phải khơi nguồn sáng tạo. Chúng ta đều nói muốn đất nước giàu mạnh thì phải tham gia được vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, phải làm sao nâng lên được hàm lượng chất xám trong mỗi sản phẩm của nền kinh tế Việt Nam. Muốn như vậy, ngay từ trên ghế nhà trường phải khơi nguồn sáng tạo cho mỗi học sinh.
[Những điểm khác biệt của chương trình giáo dục phổ thông mới]
- Như ông nói, môn Toán sẽ tinh giản, sẽ thiết thực thay vì hàn lâm kinh viện như hiện nay. Vậy, sự thiết thực, gắn với cuộc sống đó sẽ được thể hiện như thế nào, thưa giáo sư?
Giáo sư Đỗ Đức Thái: Trong chương trình mới, lần đầu tiên dành thời gian thích đáng, với 9% thời lượng toàn chương trình, để tiến hành các hoạt động thực hành, hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, như như câu lạc bộ Toán, làm các dự án học tập nho nhỏ, các trò chơi..
Những hoạt động trải nghiệm toán học như vậy sẽ giúp học sinh vận dụng được tri thức, kỹ năng, thái độ, kinh nghiệm cá nhân mà bản thân đã tích lũy trong quá trình giáo dục để có thể nhìn thấy và giải quyết các vấn đề của cuộc sống quanh mình. Qua đó, nâng cao năng lực, kỹ năng cho các em.
Cũng qua những hoạt động này, học sinh có thể biết đâu là điểm mạnh, điểm yếu của mình, xác định được sở trường, định hướng được tương lai nghề nghiệp của mình một cách tốt hơn.
Qua hoạt động thực tiễn đó, chúng ta cũng xác lập được năng lực cơ bản cho người lao động, góp phần hình thành phẩm chất của người công dân có trách nhiệm trong tương lai.
Tính ứng dụng trong chương trình mới được chú trọng ở ngay những mạch kiến thức truyền thống của toán học như số học, hình học, giải tích… Thay vì chỉ dừng ở kiến thức hàn lâm thì trên từng mạch kiến thức đó, ở chuẩn đầu ra, chúng tôi đòi hỏi học sinh phải biết vận dụng vào giải quyết các vấn đề thực tiễn.
Ví dụ, trong bài học về thống kê ở lớp 6, học sinh học về tính trung bình cộng của một dãy số liệu. Nếu chúng ta chỉ dạy theo kiểu cho một dãy số liệu và yêu cầu học sinh tính trung bình cộng của dãy số liệu đó, học sinh có thể cho đáp án đúng nhưng không hiểu thống kê, tính trung bình để làm gì. Khi đó các em sẽ nhanh quên và thấy việc học ấy vô nghĩa.
Nhưng nếu cho các em thống kê lại nhiệt độ của địa phương mình sống vào một thời điểm trong vòng 1 tuần lễ, từ đó tính trung bình cộng, sẽ giúp các em nhận ra sự biến đổi thời tiết của địa phương mình trong một tuần, và có thể vẽ thành biến đổi thời tiết.
Như thế, học sinh vừa học Toán, vừa học kiến thức địa lý, vừa hiểu được một trong những vấn đề của địa phương. Qua đó, có thể dạy các em về biến đổi khí hậu, về bảo vệ môi trường.
Chúng ta có thể dạy rất nhiều thứ từ kiến thức Toán. Thời gian không tăng lên, chỉ là thay đổi cách dạy.
Cái quan trọng nhất là thay đổi lại ý thức của người giáo viên, ý thức của người học, rằng học là để giải quyết các vấn đề của thực tiễn trong cuộc sống chứ không phải chỉ là kiến thức hàn lâm, một bồ chữ nhưng không biết để làm gì.
Đội ngũ giáo viên đủ trình độ triển khai
- Quan trọng nhất là thay đổi lại ý thức của người giáo viên. Vậy theo giáo sư, đội ngũ giáo viên của chúng ta có đáp ứng được yêu cầu mới?
Giáo sư Đỗ Đức Thái:Nhân tố quan trọng nhất quyết định thành công của bất kỳ cải cách giáo dục nào, bất kỳ một chương trình giáo dục mới nào luôn luôn là đội ngũ giáo viên.
Yếu tố người học dễ dàng hơn yếu tố giáo viên, vì học sinh như tờ giấy trắng, chúng ta vẽ nét gì thì ra nét đó.
Tôi khẳng định, nhìn tổng thể, chương trình môn Toán mới đã tinh giản hẳn so với chương trình trước đây. Và chúng tôi giảm nhẹ rất nhiều yêu cầu giải các dạng bài tập trong chương trình, cương quyết không đưa vào chương trình những bài tập mẹo, lắt léo.
Những bài tập đó về thực chất chỉ phục vụ thi cử, nó không tạo ra được năng lực đích thực mà chúng ta mong muốn con em mình có. Chưa kể, nó là nguyên nhân gây ra dạy thêm, học thêm tràn lan, gây ra phản ứng bức xúc của xã hội.
[Chương trình giáo dục phổ thông mới: Bỏ kiến thức thừa, xóa nội dung lắt léo]
Việc tinh giản chỉ còn lại những cái cốt lõi sẽ tạo ra thời lượng vật chất để giảng dạy, cho phép các thầy cô giáo thay đổi cách tiếp cận, thay đổi phương pháp giảng dạy từ truyền thụ kiến thức sang hình thành và phát triển năng lực cho người học, nhất là năng lực giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống.
Vì thế, tôi rất tự tin đội ngũ giáo viên dạy toán đủ kiến thức, đủ kinh nghiệm để có thể triển khai được chương trình này. Vấn đề chính là các thầy cô phải thấy rằng đổi mới là động lực tự thân của mỗi người.
Tất nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có kế hoạch rất cụ thể để tập huấn cho các thầy cô. Tập huấn một cách bài bản, cẩn thận, thậm chí đào tạo lại cho các thầy cô lớn tuổi mà có thể phần này phần khác là kiến thức mới hoặc rơi rụng theo năm tháng.
Tôi tin đội ngũ giáo viên toán về cơ bản đáp ứng ngay được đòi hỏi của chương trình môn toán mới.
- Xin cảm ơn giáo sư!./.