Hoạt động trải nghiệm: Lo ngại nguy cơ nảy sinh tiêu cực, lạm thu

Hoạt động trải nghiệm là một nội dung hoàn toàn mới trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới. Hoạt động trải nghiệm có thể tổ chức ngoài lớp học, ngoài nhà trường.
Hoạt động trải nghiệm: Lo ngại nguy cơ nảy sinh tiêu cực, lạm thu ảnh 1Học sinh tiểu học bán hàng để lấy tiền gây quỹ từ thiện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Hoạt động trải nghiệm là một nội dung hoàn toàn mới trong chương trình giáo dục phổ thông sắp tới. Khác với các môn học khác chủ yếu diễn ra trong lớp học, hoạt động trải nghiệm có thể tổ chức ngoài lớp học, thậm chí ngoài trường học. Điều này khiến cho nhiều người lo ngại về việc có thể là kẽ hở dẫn đến tình trạng lạm thu.

Chương trình bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, hoạt động trải nghiệm là nội dung giáo dục bắt buộc từ lớp một đến lớp 12. Ở bậc tiểu học, hoạt động này có tên là Hoạt động trải nghiệm. Ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông gọi là Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp.

Mục tiêu chương trình này nhằm giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực thích ứng với cuộc sống, năng lực thiết kế và tổ chức hoạt động, năng lực định hướng nghề nghiệp thông qua các chủ đề hoạt động gắn với những nội dung cụ thể về bản thân, quê hương, đất nước, con người. 

Ở bậc tiểu học, chương trình tập trung vào các hoạt động phát triển bản thân, kỹ năng sống, quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Học sinh được tổ chức tham gia các hoạt động lao động, hoạt động xã hội và làm quen với một số nghề gần gũi.

Bậc trung học cơ sở tập trung nhiều hơn đến các hoạt động xã hội, hoạt động phục vụ cộng đồng và bắt đầu đẩy mạnh hoạt động hướng nghiệp.

Bậc trung học phổ thông tập trung vào hoạt động hướng nghiệp với qua các chủ đề sinh hoạt tập thể, hoạt động lao động sản xuất, câu lạc bộ hướng nghiệp…

[Chương trình giáo dục mới: Bỏ kiến thức thừa, xóa nội dung lắt léo]

Các hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm gồm: hình thức có tính khám phá (thực địa thực tế, tham quan, cắm trại, trò chơi…), hình thức có tính thể nghiệm, tương tác (diễn đàn, giao lưu, hội thảo, sân khấu hóa…), hình thức có tính cống hiến (thực hành lao động, hoạt động tình nguyện, nhân đạo…), hình thức có tính nghiên cứu, phân hóa (dự án và nghiên cứu khoa học, hoạt động theo nhóm sở thích).

Hoạt động trải nghiệm: Lo ngại nguy cơ nảy sinh tiêu cực, lạm thu ảnh 2Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được bắt đầu thực hiện từ năm học 2019-2020. (Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN)

Dễ nảy sinh tiêu cực

Theo chương trình dự kiến, hoạt động trải nghiệm có thể diễn ra trong hoặc ngoài lớp học, trong hoặc ngoài nhà trường.

Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm là cần thiết, tuy nhiên, nhiều ý kiến lo ngại điều này sẽ dễ tạo kẽ hở để nảy sinh tình trạng lạm thu trong các nhà trường.

“Khi tổ chức các hoạt động ngoài nhà trường sẽ nảy sinh vấn đề kinh phí. Các trường có thể coi đây là một lý do để hợp thức hóa các lạm thu,” cô Trần Hồng Vân (Kiến Xương, Thái Bình) chia sẻ.

Đây cũng là băn khoăn của các phụ huynh. Theo chị Lê Thị Thủy (khu đô thị Tây nam Linh Đàm), mỗi năm trường con chị đều tổ chức cho học sinh đi dã ngoại, là một hình thức trải nghiệm, và các phụ huynh đều phải đóng tiền. Một năm tổ chức hai lần nhưng cũng có những gia đình không có điều kiện cho con tham gia.

[Thanh tra Bộ Giáo dục phát hiện học sinh cõng trên 30 khoản thu tự nguyện]

Trong khi đó, ngay chính các nhà trường cũng có nhiều lo ngại. Một hiệu trưởng cho biết, với kinh phí được cấp hiện nay, nếu tổ chức hoạt động trải nghiệm là bài toán khó vì đòi hỏi tốn kém hơn, ngay cả khi hoạt động đó tổ chức tại trường. 

“Khi đó trường có được thu thêm hay không? Thu ở mức bao nhiêu và liệu có bị phụ huynh coi là lạm thu không?” vị hiệu trưởng này đặt câu hỏi.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đinh Thị Kim Thoa, chủ biên hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong chương trình giáo dục phổ thông mới cho rằng, hoạt động trải nghiệm trong chương trình phổ thông là hoạt động bắt buộc và là chương trình chính thức trong nhà trường nên không nằm ngoài kinh phí đã được cấp cho các nhà trường.

Việc tổ chức hoạt động trải phải đảm bảo tất cả học sinh đều được tham gia để có  thể hình thành năng lực, phẩm chất của riêng mình.

[Lá chắn tự nguyện và chia sẻ rớt nước mắt của phụ huynh]

Tuy nhiên, vị chủ biên Hoạt động trải nghiệm cũng tỏ ra khá lúng túng trước câu hỏi liệu hoạt động có làm nảy sinh lạm thu hay không.

“Việc tổ chức một số hoạt động bên ngoài nhà trường các phụ huynh có thể lo lắng dẫn đến việc thu thêm thì thực ra với điều này, với các hoạt động có tính xã hội, có hoạt động phục vụ cộng đồng thì sau này các nhà trường sẽ tổ chức cho các em, có nhiều hoạt động các em có thể tự tạo ra kinh phí chứ không phải cần đến kinh phí.”

“Nhưng bên cạnh đó, rõ ràng chúng ta phải khẳng định với nhau rằng, để làm tốt công việc này các nhà trường phải làm tốt công tác xã hội hóa, làm thế nào để có thể thu hút được các lực lượng xã hội, đoàn thể, chính quyền địa phương để cùng chung tay với nhà trường tổ chức tốt hoạt động trải nghiệm cho học sinh,” bà Thoa chia sẻ.

Vị chủ biên Hoạt động trải nghiệm cũng cho rằng các nhà trường trong công tác quản lý và tổ chức cần phải rõ ràng, minh bạch và làm đúng mục đích. "Khi đó, tôi nghĩ sẽ không dẫn đến những việc đáng tiếc như mọi người lo lắng,” bà Thoa nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục