Hướng tiếp cận mới về cắt giảm thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa

Công tác kiểm tra chuyên ngành hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, là gánh nặng cho doanh nghiệp, là một trong các nguyên nhân kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chiều 19/2, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp về việc xây dựng dự thảo Đề án "Đổi mới mô hình kiểm tra chất lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 1/11/2019.

Tỷ lệ tờ khai kiểm tra chuyên ngành đã giảm dần

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu đã được cải cách và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đến nay, nhiều bộ đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm danh mục dòng hàng, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, đơn giản hóa thủ tục hải quan, phân định tập trung một đầu mối kiểm tra chuyên ngành, giảm chồng chéo, phiền hà cho doanh nghiệp. 

Qua thống kê cho thấy, tỷ lệ tờ khai kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa nhập khẩu đã giảm dần theo từng năm (tỷ lệ tờ khai kiểm tra chuyên ngành/tổng số tờ khai trong các năm 2015-2018 lần lượt là 25,93%; 23,24%; 20,36%; 20,19%. Riêng trong năm 2019 rút xuống còn 19,1% tờ khai hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhận định, trong thời gian qua, nhiều bộ, ngành tích cực cải cách. Đối với 1.501 mặt hàng chồng chéo, các bộ, ngành đã ban hành văn bản quy phạm pháp luật để xử lý như Bộ Y tế ban hành thông tư xử lý 610 mặt hàng về dược liệu. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành 2 thông tư để cải cách những chồng chéo trong lĩnh vực nông nghiệp...

Cải cách để tạo dư địa tăng trưởng

Tuy nhiên, kết quả cải cách chưa đáp ứng được mục tiêu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Công tác kiểm tra chuyên ngành hiện vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, là gánh nặng cho doanh nghiệp, là một trong các nguyên nhân kéo dài thời gian thông quan hàng hóa.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, quan điểm của Thủ tướng, cải cách thủ tục hành chính là tạo dư địa cho tăng trưởng.

Phải có giải pháp, phương hướng để vừa kiểm soát được hàng hóa, bảo đảm sức khỏe cho người dân, bảo đảm trật tự quản lý xã hội, văn hóa, truyền thống, đặc biệt là an ninh quốc phòng nhưng phải tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là cho xuất khẩu, nhập khẩu.

[Rà soát sản xuất để điều hành hoạt động xuất khẩu nông sản]

Những quy định kiểm tra chuyên ngành đang nằm ở các văn bản luật, trên cơ sở đề án của Bộ Tài chính, báo cáo Chính phủ để Chính phủ tổng hợp báo cáo Quốc hội theo hướng 1 luật sửa nhiều luật để cải cách. Với những quy định của nghị định, sẽ báo cáo Chính phủ, Thủ tướng chỉ đạo theo hướng một nghị định sửa nhiều nghị định.

Từ những tồn tại có thể nhận diện được, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho biết quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng là quyết liệt cải cách; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành.

Tại Nghị quyết số 99/NQ-CP, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì xây dựng Đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành theo hướng cơ quan Hải quan là đầu mối thực hiện kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu (trừ các mặt hàng liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch...).

Trên cơ sở đánh giá phân tích thực trạng hiện nay, Đề án đưa ra giải pháp cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu theo xu hướng phát triển tất yếu; tạo thuận lợi tối đa cho thương mại, nâng cao hiệu quả chất lượng quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu.

Hướng tiếp cận mới về cắt giảm thủ tục

Đáng chú ý, dự thảo Đề án có cách tiếp cận hoàn toàn mới. Đó là xác định đối tượng kiểm tra là chất lượng hàng hóa, không phải chủ hàng, trên cơ sở đó, áp dụng phương thức kiểm tra và mức độ phù hợp. Quy trình, thủ tục kiểm tra được rút gọn, đơn giản hơn cho doanh nghiệp.

Theo ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, quy định trong kiểm tra chuyên ngành còn khác biệt quá lớn, nhiều cơ quan tham gia nên cách hiểu khác nhau, thủ tục rườm rà nhưng hiệu quả thấp.

Theo đó, khi thực hiện việc kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa được xây dựng trong Đề án sẽ bám sát các quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm để cắt giảm các thủ tục không cần thiết.

Về lộ trình, trong giai đoạn 1, Đề án sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc thí điểm đổi mới công tác kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Giai đoạn 2, mục tiêu là thống nhất hoạt động kiểm tra chất lượng, kiểm định tại cửa khẩu do cơ quan Hải quan đảm nhiệm.

Về cơ sở pháp lý, sẽ trình Quốc hội ban hành một Luật sửa đổi, bổ sung các Luật liên quan. Về công tác tổ chức, sẽ sát nhập một số bộ phận, cơ quan kiểm tra chất lượng về cơ quan Hải quan.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đánh giá cao Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong xây dựng dự thảo đề án.

Tiếp thu toàn bộ các ý kiến tại hội nghị, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Văn phòng Chính phủ sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp... để hoàn thiện đề án, báo cáo Chính phủ theo đúng tiến độ của Nghị quyết số 99/NQ-CP./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục