Huy động vốn khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp lo ngại

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã gặp trở ngại từ năm 2022 và đang tiếp tục đối mặt với khó khăn lớn hơn trong hoạt động gọi vốn sau vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ.
Huy động vốn khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp lo ngại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

2023 được dự báo là một năm đầy khó khăn đối với các công ty khởi nghiệp, khi hoạt động huy động vốn gặp nhiều cản trở. Các công ty khởi nghiệp cũng đã sa thải nhiều nhân viên hơn, khi lượng vốn sụt giảm.

Huy động vốn khó khăn

Doanh nghiệp khởi nghiệp tại châu Á đã gặp trở ngại từ năm 2022 và đang tiếp tục đối mặt với khó khăn lớn hơn trong hoạt động gọi vốn sau vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) của Mỹ.

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đều bày tỏ lo ngại về khả năng kêu gọi vốn đầu tư. Thông thường, doanh nghiệp khởi nghiệp không phải tìm kiếm lợi nhuận hoạt động ngay mà chỉ tập trung đầu tư phát triển sản phẩm, các công ty đầu tư sẽ nhanh chóng rót vốn thông qua các khoản đầu tư mạo hiểm. Tuy nhiên, dường như hệ thống này đang thay đổi và việc kêu gọi rót vốn đầu tư ngày càng trở nên khó khăn.

Các đại diện khởi nghiệp cho biết họ đang phải đối mặt với một tình huống tuyệt vọng khi phải cùng lúc thu được lợi nhuận thực sự ngay trong khi tiếp tục phát triển công việc.

Giám đốc điều hành nền tảng dịch vụ Good Gang Labs, Ahn Doo-Kyung, cho biết các công ty khởi nghiệp đang phải đối mặt với mùa Đông thực sự. Trong khi đó, Ban Seong-hun, Giám đốc điều hành của dịch vụ thiết lập nội dung 3D Recon Labs, cũng cho biết tình hình thu hút đầu tư năm nay khó khăn hơn rất nhiều so với năm 2022.

[Các công ty khởi nghiệp Đông Nam Á đón làn sóng rót tiền đầu tư]

Giới chuyên gia còn đưa ra cảnh báo rằng các khoản đầu tư vào các công ty mới thành lập hoặc các liên doanh, nơi có nhiều bất ổn sau vụ phá sản của SVB, có thể cạn kiệt hơn nữa.

Các công ty khởi nghiệp không còn lựa chọn nào khác là nhanh chóng thiết lập các chiến lược sinh tồn để vượt qua giai đoạn khan hiếm đầu tư này.

Tín hiệu tích cực

Dù vậy, theo báo cáo về chỉ số kỳ lân toàn cầu năm 2023 do Hurun công bố, các công ty khởi nghiệp trong một số lĩnh vực, nơi khởi nguồn của những kỳ lân thành công nhất thế giới, vẫn đang thu hút những tài năng trẻ và nguồn vốn.

Ngoài Mỹ và Trung Quốc, Ấn Độ là quốc gia dẫn đầu về số lượng kỳ lân. Ấn Độ đã duy trì vị thế trong ba quốc gia hàng đầu, với số lượng kỳ lân cao nhất, hiện là 68.

Đáng chú ý, Ấn Độ còn đồng sáng lập 70 doanh nghiệp kỳ lân bên ngoài nước này. Điều này nâng số lượng kỳ lân mà người Ấn Độ thành lập trên toàn thế giới lên 138 doanh nghiệp.

Trong các lĩnh vực hàng đầu thu hút các kỳ lân, phải kể đến công nghệ tài chính (fintech) với 171 kỳ lân trên toàn thế giới, tăng 32 so với năm trước. Đây là lĩnh vực có số lượng kỳ lân cao nhất. Trong số các kỳ lân fintech, 20% doanh nghiệp có liên quan đến công nghệ thanh toán.

Ba kỳ lân fintech có giá trị nhất là Ant Group (Trung Quốc), trị giá 120 tỷ USD. Tiếp theo là Stripe (Mỹ), một nền tảng thanh toán trị giá 50 tỷ USD và WeBank (Trung Quốc), trị giá 33 tỷ USD.

Tổng giá trị của các kỳ lân fintech là 728 tỷ USD, chiếm 17% tổng giá trị của tất cả các kỳ lân, làm nổi bật sự thống trị của fintech trong hệ sinh thái kỳ lân.

SaaS, mô hình bản quyền phần mềm, là ngành thứ hai có số lượng kỳ lân cao nhất, với tổng số 136. Trong số các kỳ lân SaaS, giá trị nhất là Canva, một công ty có trụ sở tại Australia trị giá 21 tỷ USD, tiếp theo là Xiaohongshu có trụ sở tại Thượng Hải trị giá 14 tỷ USD và Celonis có trụ sở tại Munich (Đức) trị giá 13 tỷ USD. Tổng giá trị của tất cả các kỳ lân SaaS là 437 tỷ USD.

Trong khi đó, ngành thương mại điện tử có tổng cộng 120 kỳ lân, với tổng giá trị là 364 tỷ USD. Những kỳ lân thương mại điện tử có giá trị nhất là nhà bán lẻ quần áo Shein (Trung Quốc), trị giá 65 tỷ USD, tiếp theo là J&T Express, có trụ sở tại Indonesia trị giá 15 tỷ USD, và Faire có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) trị giá 12 tỷ USD.

Mỹ có số lượng kỳ lân thương mại điện tử lớn nhất, với 35, tiếp theo là Trung Quốc (24) và Ấn Độ (17).

Trí tuệ nhân tạo (AI) là ngành thứ tư có số lượng kỳ lân cao nhất, với tổng số 105, tăng 21 so với năm trước. OpenAI có trụ sở tại San Francisco (Mỹ), với mức định giá 20 tỷ USD, dẫn đầu ngành, tiếp theo là Grammarly, trị giá 13 tỷ USD và Talkdesk, trị giá 10 tỷ USD.

Lời khuyên cho doanh nghiệp

Huy động vốn đóng vai trò sống còn đối với sự phát triển của một doanh nghiệp. Do đó, tạp chí Forbes cho rằng các doanh nghiệp cần vạch ra một lộ trình rõ ràng để định hướng quá trình huy động vốn.

Trước tiên là xây dựng kế hoạch kinh doanh. Trước khi bắt đầu quá trình gọi vốn, doanh nghiệp cần vạch rõ kế hoạch kinh doanh, sử dụng nguồn vốn và phương thức tạo ra doanh thu. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp nên lập một kế hoạch chi tiết phác thảo các mục tiêu, thị trường, bối cảnh cạnh tranh và dự báo tài chính.

Thứ hai, để huy động vốn, doanh nghiệp cũng cần hiểu kỹ lượng vốn cần thiết để đạt được mục tiêu kinh doanh của mình. Cần xem xét kỹ tất cả các chi phí liên quan đến việc khởi động và phát triển công ty khởi nghiệp, bao gồm tiền lương, tiền thuê nhà và hoạt động tiếp thị, cũng như bất kỳ chi phí nào khác mà doanh nghiệp có thể phải chịu.

Thứ ba là xác định các nhà đầu tư tiềm năng bởi không phải tất cả các nhà đầu tư đều là ứng viên tiềm năng cho mọi doanh nghiệp.

Thứ tư là tạo ra khả năng kết nối. Việc xây dựng mối quan hệ với các chuyên gia trong ngành là một phần quan trọng của quá trình huy động vốn. Một số giải pháp có thể tạo dựng kết nối là tham dự các sự kiện, các tổ chức có liên quan và sử dụng mạng xã hội.

Thứ năm, khi tiếp cận các nhà đầu tư, điều cực kỳ quan trọng là doanh nghiệp cần phải truyền đạt thông tin một cách rõ ràng, ngắn gọn và hấp dẫn.

Thứ sáu là chuẩn bị cho quá trình thẩm định. Nếu thu hút được sự quan tâm của nhà đầu tư, họ sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng hơn về doanh nghiệp để đảm bảo đó thực sự là một khoản đầu tư khả thi. Hãy sẵn sàng cung cấp bất kỳ tài liệu nào nhà đầu tư yêu cầu, bao gồm các hồ sơ như giấy phép, nhãn hiệu, bằng sáng chế, hợp đồng.

Thứ bảy là thương lượng các điều khoản. Khi doanh nghiệp nhận được một đề nghị, họ cần xem lại các điều khoản của thỏa thuận. Tóm lại, huy động vốn cho một công ty khởi nghiệp có thể là một quá trình đầy thách thức và tốn thời gian.

Tuy nhiên, nếu được chuẩn bị kỹ lưỡng, doanh nghiệp có thể tăng khả năng thành công trong quá trình kêu gọi nhà tài trợ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục