Gói cứu trợ sai lầm

Hy Lạp đồng tình với IMF về sai lầm của gói cứu trợ

Sai lầm nghiêm trọng trong gói cứu trợ thứ nhất dành cho Hy Lạp khiến nước này phải cầu viện gói thứ hai lớn hơn và lún sâu vào suy thoái.
Athens và Liên minh châu Âu (EU) đã có những phản ứng rất khác nhau sau khi Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) công bố bản báo cáo thừa nhận đã có một số sai lầm nghiêm trọng trong gói cứu trợ thứ nhất dành cho Hy Lạp, khiến nước này phải cầu viện gói cứu trợ thứ hai lớn hơn và lún sâu vào suy thoái.

Trả lời phỏng vấn nhật báo Ta Nea (Tin tức), Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yannis Stournaras khẳng định rút ra bài học từ những sai lầm của nước ông là việc làm hết sức tích cực, trong khi Thủ tướng Antonis Samaras tuyên bố Athens ngay từ đầu đã chỉ ra nhiều vấn đề mà IMF coi là "sai lầm," đồng thời cho biết đang cố gắng sửa chữa.

Một số giới, trong đó có các đối tác của Chính phủ Hy Lạp, cũng công nhận đánh giá của IMF, đồng thời lặp lại yêu cầu điều chỉnh những chính sách đang được áp dụng hiện nay. Đảng Dân chủ cánh tả, một trong ba đảng tham gia liên minh cầm quyền, đã kêu gọi "thay các biện pháp khắc khổ không có kết quả."

Thông cáo báo chí của đảng đưa ra ngày 6/6 gợi ý bước đi đầu tiên nên thực hiện là cắt giảm thuế để đỡ gánh nặng cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu dùng, tạo điều kiện để ra khỏi suy thoái.

Chính phủ Hy Lạp đã nêu yêu cầu này trong những cuộc làm việc gần đây với các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và IMF, cho rằng việc quá nhấn mạnh đến chính sách khắc khổ đã đẩy tỷ lệ thất nghiệp lên mức kỷ lục và nền kinh tế tiếp tục rơi vào suy thoái sâu, nay đã bước sang năm thứ sáu.

Số liệu của cơ quan thống kê nhà nước công bố ngày 6/6 cho thấy thất nghiệp tại Hy Lạp tháng Ba là 26,8%, riêng tỷ lệ trong giới trẻ dưới 24 tuổi lên đến 58,3%. Trong ba năm qua, kinh tế Hy Lạp đã suy giảm 25%, thu nhập bình quân của người dân giảm một phần ba, hậu quả của chính sách cắt giảm lương, trợ cấp và tăng thuế. Tỷ lệ nghèo đói và tự vẫn cũng tăng một cách đáng lo ngại.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) không đồng tình với báo cáo của IMF. Phát ngôn viên EC, Simon O'Conor chỉ trích nhận định của IMF "sai lầm và không có căn cứ."

EC cùng với Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF tạo thành nhóm bộ ba giúp đỡ Hy Lạp vượt qua cuộc khủng hoảng nợ năm 2010 và sau khi chương trình này thất bại, tiếp tục tham gia gói cứu trợ thứ hai vào năm 2012.

Ông O'Conor giải thích chương trình cứu trợ đầu tiên đặt mục tiêu "ổn định" nền kinh tế Hy Lạp để nước này tiếp tục ở lại Khu vực đồng tiền chung euro. Theo ông, đây là mục tiêu được tất cả các thiết chế tham gia nhóm Bộ ba cũng như Chính phủ Hy Lạp chia sẻ, và đến nay vẫn có hiệu lực. Đại diện EC nhấn mạnh nếu cơ cấu lại nợ của Hy Lạp ngay năm 2010, cuộc khủng hoảng có nguy cơ "lây lan một cách hệ thống" và "ảnh hưởng xấu đến chương trình" cứu trợ.

Ủy ban châu Âu hiện cũng đang chuẩn bị một báo cáo riêng về chương trình cứu trợ cho Hy Lạp./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục