IEA: Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tác động nhu cầu dầu mỏ toàn cầu

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết sau khi tăng trong thời gian cao điểm đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lượng dự trữ dầu thô toàn cầu đang giảm dần.
IEA: Làn sóng dịch COVID-19 thứ hai tác động nhu cầu dầu mỏ toàn cầu ảnh 1Một cơ sở khai thác dầu ở Iran. (Ảnh: IRNA/TTXVN)

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ngày 14/10 cho biết sau khi tăng trong thời gian cao điểm đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, lượng dự trữ dầu thô toàn cầu đang giảm dần.

Tuy nhiên, IEA cảnh báo làn sóng dịch bệnh thứ hai đang làm chậm lại nhu cầu "vàng đen" và sẽ gây khó khăn cho nỗ lực của các nhà sản xuất nhằm cân bằng thị trường.

Trong báo cáo hằng tháng, IEA nêu rõ hiện chỉ còn khoảng trống có giới hạn cho thị trường để "nạp" thêm nguồn cung dầu thô trong một vài tháng tới.

Theo IEA, nỗ lực của các nhà sản xuất đang đem lại một số thành công, đáng chú ý là việc duy trì giá dầu thô ở mức tương đối ổn định, nguồn cung dầu dồi dào, với các kho dự trữ toàn cầu giảm khoảng 2,3 triệu thùng dầu/ngày trong quý III/2020 và dự báo giảm khoảng 4,1 triệu thùng/ngày trong quý cuối cùng của năm nay. Tuy nhiên, cơ quan này lưu ý rằng việc phục hồi nhu cầu đối với "vàng đen" trong mùa Hè đang chậm lại do làn sóng dịch COVID thứ hai và các biện pháp hạn chế đi lại mới.

Theo IEA, làn sóng dịch bệnh lần này làm gia tăng quan ngại về khả năng phục hồi kinh tế theo dự báo trước đó, do vậy sẽ làm giảm triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô.

[IEA hạ dự báo nhu cầu tiêu thụ năng lượng phục hồi chậm do COVID-19]

IEA cho biết thêm nguồn cung dầu thô toàn cầu đã giảm trong tháng 9 vừa qua khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối (OPEC+) đạt được sự đồng thuận lớn hơn trong việc cắt giảm sản lượng khai thác 7,7 triệu thùng dầu/ngày. Nguồn cung toàn cầu giảm một phần khác nhờ vào việc ngừng một số hoạt động khai thác từ Brazil, Canada và Biển Bắc.

IEA nêu rõ mức sụt giảm đặc biệt mạnh được ghi nhận tại các kho chứa dự trữ nổi khi nguồn dữ trự toàn cầu giảm 70 triệu thùng xuống còn 139,1 triệu thùng trong tháng 9 vừa qua. Trên thực tế, mức sụt giảm này không đồng đều ở các quốc gia. Cụ thể, nguồn dự trữ tại Mỹ và Nhật Bản giảm lần lượt là 6,5 triệu và 1,8 triệu thùng, trong khi nguồn dữ trự của châu Âu lại tăng 3,3 triệu thùng.

Các nhà sản xuất OPEC+ lên kế hoạch nhằm tăng nguồn cung 2 triệu thùng dầu/ngày từ tháng 1 và IEA dự báo việc đạt được lệnh ngừng bắn tại Libya sẽ có thể làm tăng sản lượng "vàng đen" tại quốc gia Bắc Phi từ mức 300.000 thùng/ngày hiện nay lên mức 700.000 thùng/ngày vào tháng 12 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục