IMF gia hạn thanh toán nợ cho 25 nước thu nhập thấp, dễ bị tổn thương

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết việc phê duyệt gia hạn thanh toán nợ lần thứ 5 và cũng là lần cuối cùng theo chương trình ngăn chặn thảm họa và ủy thác cứu trợ có tổng giá trị 115 triệu USD.
IMF gia hạn thanh toán nợ cho 25 nước thu nhập thấp, dễ bị tổn thương ảnh 1Trụ sở Quỹ Tiền tệ quốc tế ở Washington DC., Mỹ ngày 30/3/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 20/12, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thông báo đã gia hạn thanh toán nợ cho 25 nước thu nhập thấp đủ điều kiện thêm 3 tháng nữa, đến ngày 13/4/2022. 

IMF cho biết việc phê duyệt gia hạn thanh toán nợ lần thứ 5 và cũng là lần cuối cùng này có tổng giá trị lên tới khoảng 115 triệu USD.

Các nước được gia hạn đợt này gồm Benin, Burkina Faso, Burundi, Cộng hòa Trung Phi, Comoros, Djibouti, Ethiopia, Gambia, Guinea, Guinea-Bissau, Haiti, Kyrgyzstan, Lesotho, Liberia, Madagascar, Malawi, Mali, Nepal, Niger, Rwanda, Sao Tome và Principe, Sierra Leone, Solomon Islands và Tajikistan. 

Bốn đợt gia hạn trả nợ trước đó đã được IMF thông qua vào tháng 4 và tháng 10 các năm 2020 và 2021.

Đợt thứ 5 này hoàn tất tiến trình gia hạn trả nợ của IMF cho các nước đủ điều kiện với tổng giá trị khoảng 964 triệu USD.

Các đợt hoãn thanh toán nợ nói trên được cung cấp theo chương trình ngăn chặn thảm họa và ủy thác cứu trợ (CCRT).

Chương trình này cho phép IMF cung cấp quỹ cho các nước nghèo và dễ bị tổn thương nhất do các sự kiện thiên tai mang tính thảm họa hay các cuộc khủng hoảng về y tế công.

[IMF: Nợ toàn cầu tăng mạnh nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai]

Cùng ngày, Ban điều hành IMF cũng phê duyệt khoản giải ngân 335,2 triệu USD cho Jordan, sau khi hoàn tất xem xét lần thứ ba chương trình vay 1,5 tỷ USD trong vòng 4 năm của nước này. 

Theo IMF, với khoản giải ngân trên, tổng số tiền giải ngân cho Jordan kể từ đầu năm 2020 đến nay đã lên tới khoảng 1,23 tỷ USD, trong đó khoảng 407 triệu USD tài trợ khẩn cấp cho nước này ứng phó với đại dịch COVID-19. 

Các đợt giải ngân được thực hiện trong khuôn khổ EFF - một cơ chế hỗ trợ của tổ chức tài chính này cho các quốc gia thành viên nhằm giải quyết các vấn đề về cơ cấu trong hệ thống kinh tế vĩ mô.

Theo IMF, đợt giải ngân trên diễn ra trong bối cảnh Jordan tiếp tục đạt được những tiến bộ về cải cách kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục