IMF nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu

IMF nhận định kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với khủng hoảng, đặt biệt là các nước châu Âu song việc dầu rớt giá cũng mang lại sức bật mới cho kinh tế.
IMF nhận định về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảnh 1Chủ tịch IMF Christine Lagarde phát biểu tại Hội nghị G20. (Nguồn: AFP)

Giá dầu rơi xuống mức thấp nhất trong hơn ba năm qua sẽ mang lại sức bật cho nền kinh tế thế giới vốn đang trì trệ, song đây cũng là con dao hai lưỡi, gây ảnh hưởng đến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô.

Báo cáo ngày 12/11 của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) trong Hội nghị các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhận định nền kinh tế thế giới vẫn đang đối mặt với những cơn gió ngược chiều khắc nghiệt đến từ nhiều khu vực, đặc biệt là sự tăng trưởng yếu kém của kinh tế châu Âu.

Tuy nhiên, việc giá dầu mỏ giảm gần 20% tính từ tháng 9 vừa qua và tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, cho dù tình trạng này sẽ khiến các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô khốn đốn, đặc biệt là Nga.

Nguyên nhân giá dầu mỏ liên tục giảm sâu chủ yếu do những căng thẳng địa chính trị, thị trường chứng khoán chưa phục hồi, lạm phát thấp ở một số nền kinh tế phát triển, tăng trưởng toàn cầu yếu và quyết định chấm dứt gói kích thích kinh tế của Mỹ.

Báo cáo dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm nay sẽ đạt 3,3% trước khi tăng lên 3,8% trong năm 2015.

Báo cáo cũng đề cập đến yếu tố suy giảm tăng trưởng của khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Theo đó, IMF cho rằng Eurozone khó có thể đạt mức tăng trưởng dự báo 0,8% trong năm 2014 và 1,3% trong năm 2015.

IMF cho rằng những mức dự báo trên vẫn quá cao nếu đối chiếu với các số liệu đáng thất vọng gần đây ở Eurozone, trong đó có thực trạng về nhu cầu nội địa thấp kỷ lục ở Đức, nền kinh tế đầu tàu của Eurozone.

Trước thềm hội nghị G20 tại Brisbane, Australia, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew ngày 12/11 cảnh báo thế giới không thể trang trải cho một thập kỷ thua lỗ của châu Âu.

Quan chức Mỹ nhấn mạnh thế giới không thể phụ thuộc vào nước Mỹ tăng trưởng nhanh đủ để bù lại cho tăng trưởng yếu kém ở hầu hết các nền kinh tế lớn khác.

Cùng ngày, The Conference Board (TCB) - một tổ chức nghiên cứu toàn cầu về kinh tế và môi trường kinh doanh có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) - đã công bố báo cáo dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong hai năm tới.

TCB dự báo kinh tế toàn cầu sẽ đạt tăng trưởng 3,2% trong năm 2014, 3,4% trong năm 2015 và sẽ tăng trưởng dưới mức 3% trong dài hạn. Báo cáo của TCB cũng cho rằng kinh tế Mỹ sẽ đạt tăng trưởng 2,2% trong năm 2014 và tăng lên 2,6% trong năm 2015.

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc giảm từ 7,3% của năm nay xuống còn 6,5% năm 2015. Khu vực Eurozone chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn 0,9% trong năm 2014 và tăng lên 1,6% trong năm 2015.

Nhà kinh tế trưởng Bart van Ark của TCB cho rằng dù bức tranh toàn cầu có vẻ không mấy sáng sủa nhưng vẫn tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp và các chính phủ nếu như hiểu rõ được các thách thức.

Với mức tăng trưởng bình quân 3%, kinh tế thế giới 10 năm tới có thể sẽ rất giống với thập kỷ 80 của thế kỷ trước, thời điểm mà sự tăng trưởng khiêm tốn trong giai đoạn cải cách cấu trúc tại rất nhiều nền kinh tế đã thúc đẩy sự chuyển tiếp từ "những năm vàng son" hậu Thế chiến thứ hai sang một kỷ nguyên định hình bằng sự phát triển của dịch vụ và sự cách tân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục