IMF thực hiện các cam kết cải tổ cơ cấu bỏ phiếu

Các nền kinh tế mới nổi đã được IMF tăng quyền bỏ phiếu sau khi thỏa thuận về cải cách cơ cấu bỏ phiếu tại thể chế này có hiệu lực.
Gần ba năm sau khi các nước thành viên nhất trí cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), các thỏa thuận về cải cách cơ cấu bỏ phiếu tại thể chế này, theo đó trao thêm quyền bỏ phiếu cho cường quốc kinh tế mới nổi, chính thức có hiệu lực.

Đây được coi là một bước tiến quan trọng trong tiến trình củng cố nền tảng pháp lý của IMF.

Trong một tuyên bố ngày 3/3, IMF cho biết các thỏa thuận được đưa ra năm 2008 này có hiệu lực sau khi được 117/187 nước thành viên ban hành thành luật.

Tuyên bố nhấn mạnh cải tổ cơ chế bỏ phiếu sẽ tăng cường sự hiện diện của các nền kinh tế năng động tại IMF cũng như củng cố tiếng nói và quyền tham gia của các nước có thu nhập thấp.

Về cơ bản, việc cải tổ sẽ điều chỉnh lại tỷ lệ các nước có quyền bỏ phiếu cũng như mức đóng góp tài chính lâu dài của các nước thành viên cho hoạt động của IMF giữa nước phát triển và các nền kinh tế mới nổi, cụ thể là chuyển bớt "hạn ngạch" của các nước giàu sang các nước đang phát triển.

Các nền kinh tế đang nổi đầy năng động, trong đó có Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Mexico, sẽ có tiếng nói lớn hơn trong tiến trình hoạch định chính sách của IMF.

Giám đốc điều hành IMF, ông Dominique Strauss-Kahn đã hoan nghênh nỗ lực của các nước thành viên trong việc thông qua các biện pháp cải cách trên. Theo ông, việc thực hiện các cải cách này cho thấy quyết tâm của các nước tăng cường tính hiệu quả và pháp lý của IMF cũng như uy tín của thể chế này.

Tuy nhiên, Giám đốc Strauss-Kahn nhấn mạnh tiến trình này chưa kết thúc và các nước cần nhanh chóng thông qua các đề xuất cải tổ ban điều hành hiện gồm 24 thành viên của IMF được đưa ra năm 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục