Indonesia sẽ tập trung hơn vào việc củng cố nền tảng của nền kinh tế quốc gia vào năm 2014, với khả năng mức tăng trưởng sẽ không vượt quá mức 6%.
Bộ trưởng Tài chính Indonesia Chatib Basri nói rằng nếu tiếp tục dành ưu tiên cho tăng trưởng thì các nền tảng của nền kinh tế đất nước sẽ không ổn định và có thể bị phá vỡ trong trung hạn.
Vì vậy, Chính phủ Indonesia sẽ tập trung vào ổn định với kế hoạch ngân sách nhà nước không đặt mục tiêu tăng trưởng lên hàng đầu, thực thi một chính sách tài khóa chặt chẽ bằng cách đảm bảo mục tiêu về thâm hụt ngân sách và không để thâm hụt tài khoản vãng lai gia tăng.
Theo ông Chatib Basri, mặc dù mức tăng trưởng kinh tế giả định trong kế hoạch ngân sách năm 2014 chỉ là 6%, song đây sẽ vẫn là mức tăng cao thứ hai trong số các nước G20, cao hơn Ấn Độ cũng như Thổ Nhĩ Kỳ.
Mục tiêu tăng trưởng này đã được cân nhắc và xem xét trên cơ sở các điều kiện kinh tế trong nước và thế giới hiện nay cũng như triển vọng trong tương lai.
Ông Chatib Basri cho biết thêm trong kế hoạch ngân sách 2014 của Indonesia, phân bổ cho ngành du lịch bị cắt giảm, song gia tăng cho chi tiêu vào cơ sở hạ tầng, y tế và mua sắm vũ khí phòng thủ.
Các mục tiêu cơ bản của Indonesia trong năm 2014: tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,0%, lạm phát 5,5%, giá dầu thô Indonesia 100-115 USD/thùng, tỷ giá 10.500 rupiah/USD và thâm hụt ngân sách 154.200 tỷ rupiah, tương đương 1,49% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích và tổ chức kinh tế cho rằng tỷ giá hối đoái thực tế sẽ ở mức 11.000-11.500 rupiah/USD và thâm hụt ngân sách có thể lên tới 209.500 tỷ rupiah, hay 2,02% GDP./.