Indonesia chi hơn 3 tỷ USD đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội

Năm 2014, Indonesia chi 3,09 tỷ USD cho Lục quân, trong đó 72% cho chi trả lương, 17-18% cho hoạt động và bảo trì và 9% cho trang bị vũ khí khí tài mới.
Indonesia chi hơn 3 tỷ USD đẩy nhanh hiện đại hóa quân đội ảnh 1Lễ hạ thủy hai tàu chiến của hải quân Indonesia. (Ảnh Jakarta Post)

Phóng viên TTXVN tại Jakarta cho biết quân đội Indonesia đang tích cực triển khai chương trình hiện đại hóa với việc sẽ tăng cường thực hiện kế hoạch dành cho giai đoạn 2015-2019 đã được chính phủ và Quốc hội nước này phê chuẩn.

Trong năm 2014, nước này đã phê chuẩn khoản ngân sách 36.000 tỷ rupiah (3,09 tỷ USD) dành cho Lục quân, trong đó 72% cho chi trả lương, 17-18% cho hoạt động và bảo trì, và 9% cho trang bị vũ khí khí tài mới,

Phát biểu trong một cuộc họp báo mới đây, Tư lệnh Lục quân Indonesia, tướng Budiman nói rằng việc nâng cấp các hệ thống vũ khí là hết sức quan trọng khi xu hướng chiến trận và chiến tranh đang ngày càng dựa nhiều hơn vào các loại vũ khí tốc độ cao hơn, chính xác hơn và thông minh hơn.

Vì vậy kế hoạch hiện đại hóa quân đội giai đoạn 2015-2019 của Lục quân Indonesia sẽ chú trọng đến việc chuyển đổi hệ thống vũ khí, nhất là thông qua tăng cường hợp tác giữa ngành công nghiệp quốc phòng với các trường đại học và các viện nghiên cứu trong nước.

Tướng Budiman nhấn mạnh rằng chủ trương tăng cường hợp tác giữa ngành công nghiệp quốc phòng với các trường đại học và các viện nghiên cứu trong nước sẽ không chỉ giúp đẩy nhanh hoàn thành chương trình hiện đại hóa quân đội trong từng giai đoạn mà còn giúp nâng cao năng lực của các ngành chế tạo, nghiên cứu và đào tạo trong nước.

Tướng Budiman cho biết thêm rằng Lục quân Indonesia đang hợp tác với các chuyên gia từ các cơ sở đào tạo và nghiên cứu trong nước, trong đó có Đại học Surabaya, Đại học Diponegoro, Viện Công nghệ (ITS), Viện Công nghệ Bandung (ITB), công ty Tesco Indomaritim và công ty Perkapalan Kodja Bahari Galangan để thực hiện 15 dự án trọng điểm của kế hoạch nâng cấp các hệ thống vũ khí lục quân giai đoạn 2015-2019.

Đáng chú ý là dự án đóng loại tàu tuần tra cao tốc có thể hoạt động cả trên sông lẫn trên biển và khu vực đầm lầy, chở được 34 người và vận tốc tối đa tới 45 hải lý nhằm đáp ứng yêu cầu tăng cường tuần tra khu vực biên giới ở Natuna giáp Biển Đông, Bangka Belitung Aceh và Đông Nusa, hay dự án chế tạo súng laser, hệ thống vũ khí điều khiển từ xa, máy bay không người lái, và vệ tinh nano./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục