WB: Kinh tế Indonesia lớn thứ 10 thế giới tính theo PPP

Báo cáo mới công bố của WB cho biết Indonesia đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP), tăng 4 bậc so với trước.
WB: Kinh tế Indonesia lớn thứ 10 thế giới tính theo PPP ảnh 1Người dân Indonesia mua sắm tại trung tâm thương mại. (Nguồn: Reuters)

Phóng viên TTXVN dẫn báo cáo nghiên cứu do Ngân hàng thế giới (WB) công bố mới đây cho biết Indonesia đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới tính theo sức mua tương đương (PPP), tăng 4 bậc so với trước.

Báo cáo công bố danh sách xếp hạng các nền kinh tế tính theo PPP theo đánh giá của "Chương trình so sánh quốc tế 2011" (ICP-2011).

Top10 trong danh sách lần lượt là Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Đức, Nga, Brazil, Pháp, Anh và Indonesia.

Theo giáo sư Agustinus Prasetyantoko thuộc trường Đại học kinh tế Atmajaya của Indonesia, trong năm 2011, kinh tế Indonesia đạt tăng trưởng 6,5%, mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

GDP của Indonesia cũng đã tăng mạnh từ 707,9 tỷ USD năm 2005 lên 2.058 tỷ USD năm 2011.

Bình luận về kết quả nói trên, nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng BCA David Sumual nhận định kinh tế Indonesia có tiềm năng vươn lên vị trí thứ 5 thế giới theo PPP vào năm 2020.

Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, ông Sumual cho rằng chính phủ Indonesia cần tập trung vào một số chính sách quan trọng như cải cách tài chính, ngăn chặn nạn quan liêu, xóa bỏ chênh lệch thu nhập và mở cửa hơn cho đầu tư nước ngoài.

Nhà kinh tế Destry Damayanti của Ngân hàng Mandiri thì lưu ý rằng Indonesia nên tập trung vào chế tạo và nông nghiệp, vốn là hai lĩnh vực có thế mạnh và có khả năng cạnh tranh cao để thu hút lao động nhiều hơn, tăng thu nhập bình quân đầu người và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Cũng trong báo cáo, WB cho biết 6 nền kinh tế có thu nhập trung bình gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Indonesia và Mexico hiện chiếm 32,3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, gần bằng với tỷ lệ chiếm 32,9% GDP toàn cầu của 6 nền kinh tế có thu nhập cao nhất thế giới là Mỹ, Nhật Bản, Đức, Pháp, Anh và Italy.

Năm nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới là Qatar, Macao (Trung Quốc), Luxembourg, Kuwait và Brunei.

Báo cáo nhận định nhiều khả năng Trung Quốc sẽ soán ngôi Mỹ trở thành nền nền kinh tế lớn nhất thế giới tính theo PPP vào cuối năm nay, sớm hơn nhiều so với các dự đoán đưa ra trước đó.

Theo dự đoán của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), kinh tế Trung Quốc sẽ vượt Mỹ vào năm 2016. Bản thân Bắc Kinh cho rằng kinh tế nước này sẽ vươn lên vị trí thứ nhất thế giới vào năm 2019./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục